CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CÔNG KHAI - MINH BẠCH - CHÍNH XÁC - HIỆU QUẢ VĂN MINH - THÂN THIỆN - TRÁCH NHIỆM LÂY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ; SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ THƯỚC ĐO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ PHỤC VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
  22/10/2021     |  Lượt xem 75   

Những ngày xa xưa

Con phố lớn có từ thời Pháp chiếm đóng tọa lạc toàn các công sở quan trọng. Nay, vẻ uy nghiêm của nó còn sót lại là chiều rộng từ chân các ngôi nhà ra tới mép đường tính ra có tới hàng chục mét và ở rìa con đường trải nhựa là hàng mỡ đại thụ xanh đặc lá suốt ngày tỏa bóng u trầm. (Truyện ngắn của MA VĂN KHÁNG)
Truyện ngắn. MA VĂN KHÁNG

Con phố lớn có từ thời Pháp chiếm đóng tọa lạc toàn các công sở quan trọng. Nay, vẻ uy nghiêm của nó còn sót lại là chiều rộng từ chân các ngôi nhà ra tới mép đường tính ra có tới hàng chục mét và ở rìa con đường trải nhựa là hàng mỡ đại thụ xanh đặc lá suốt ngày tỏa bóng u trầm. Vào tháng tư tây, gió từ Hồ Tây bắt đầu thổi về. Những phiến lá mỡ khô lập tức hóa thân, chúng quay tròn trong hơi gió, lấp lánh như những đồng tiền vàng. Cảnh trí càng thêm phần huyền ảo, mơ màng vì tiếng chuông của một ngôi nhà thờ ở giữa phố ngày ba lần sáng trưa chiều rang rảng đổ hồi.

Lại như mọi chiều thứ bảy. Nam đạp xe tới đầu con phố này. Sáu giờ chiều mùa thu, trời đã sâm sẩm. Anh đưa mắt theo suốt chiều dài mặt hè con phố nọ trong cảm giác nôn nao đón chờ. Anh đón chờ một bóng hình. Một bóng hình thiếu nữ đi từ phía cuối phố lại, một bóng hình con gái nhỏ nhắn, đôi khi lắt lay trong bóng tối âm thầm từ vòm cây mỡ phả xuống và nhòe mờ trong tiếng chuông nhà thờ rơi chầm chậm từng giọt lúc chiều buông.

Ôi, hạnh phúc đến nghẹt thở trong tiếng gọi người yêu của Nam và của chính nàng. “Anh đợi em có lâu không?” Đáp lại câu hỏi của Hạnh, bao giờ anh cũng lắc đầu. Cái lắc đầu nhè nhẹ mang ngụ ý sâu xa phản ánh đúng tâm cảm của anh: dù có phải chờ đợi suốt đời, được chờ đợi em là hạnh phúc lớn của đời anh!

Theo hè phố, hai người đi bên nhau. Mùa thu gió thổi lộng, tóc Hạnh bay lất phất bên cánh tay anh. Mùa đông, nàng ôm chặt tay anh, anh quàng tay qua lưng nàng và hai người cùng ngửa mặt đón nhận những hạt mưa sương trong lành. Hè phố lúc này đã biến thành lối đi dẫn đến cung điện của tình yêu, tức ngôi nhà nàng. Thực ra, ngôi nhà đánh số 100 là một chung cư của bốn gia đình. Hạnh và mẹ nàng ở trong hai căn buồng nhỏ trên gác hai. Muốn vào nhà nàng phải đi qua một cái cổng, ở bên cổng có một quầy thuốc lá, chủ yếu là thuốc lá nội, rẻ nhất là thuốc lá cuốn lấy, Tam Đảo, đắt hơn một chút là Điện Biên, cao cấp nhất là Thăng Long bao bạc. Bán thuốc lá là một ông già hiền lành, mùa nào cũng đội chiếc mũ cát két ca rô. Nam thường ghé lại mua mấy điếu thuốc lá cuốn. Có lần thấy ông đang mắc kính đọc tờ Les nouvelles de Moscou. Hỏi thì Hạnh cho biết, ông là một thầy giáo hồi Pháp tạm chiếm dạy ở trường Nữ học Felix Faux, sau giải phóng Thủ đô, thì mất việc. Các tiết học tiếng Pháp bị thay thế bằng tiếng Nga, tiếng Trung. Qua cổng sắt nhỏ là đi vào một cái ngách hẹp. Dẫu có được soi sáng bằng một bóng đèn hai lăm oát, ngách hẹp vẫn cho ta cái cảm giác là một con đường hầm. Chẳng sao hết! Thú vị là khác vì anh và Hạnh đã lợi dụng bóng tối trong đường hầm nọ để hôn nhau trước khi cùng đi tới cầu thang lên gác hai gặp mẹ nàng. Cuối con đường hầm nọ là nơi để chiếc xe đạp Thống nhất nữ Hạnh vẫn dùng để đi đến trường sư phạm đóng ở phố Cửa Bắc. Đứng cạnh chiếc xe đạp họ hôn nhau một lần nữa, trước khi Hạnh nhảy chân sáo leo lên bậc thang gỗ của căn nhà, cất tiếng lanh lảnh:
- Mẹ ơi! Anh Nam đến chơi!
*
* *
Nhảy ra đón Nam trước tiên là một chú bé mười ba tuổi, má bụ bẫm, em trai Hạnh. Nó đu lên cổ anh:
- Anh Nam! Anh có mua quà gì cho em không?
- Tất nhiên rồi. Anh thường bế chú bé lên, cùng lúc lấy ở túi dết mang theo, lúc là một hộp bút chì màu, khi là một gói kẹo sữa.
- Lâm, cái thằng được anh quý hóa nhờn quá rồi đấy. Để mời anh vào nhà chơi uống nước chứ!

Đó là lời trách của mẹ Hạnh. Mẹ Hạnh hồi đó mới ngoài bốn mươi. Mảnh dẻ, thanh thoát, đoan trang, một vẻ đẹp cổ điển toát lên từ thần thái, từ gương mặt tròn vạnh. Hai con mắt to hai mí. Một búi tóc tròn như một dấu chấm sau gáy. Tấm áo lụa trắng thêu đăng ten ở viền cổ. Và bây giờ thì khiếu năng thẩm mĩ tinh tế của bà đang được truyền lưu bảo hành tới Hạnh. Hạnh óng ả tuổi thiếu nữ nhưng ý nhị và duyên dáng từ dáng hình thanh nhã đến đôi môi có nụ cười hoa. Ôm giỏ ấm tích hãm nước vối thơm thơm, mẹ Hạnh đi từ buồng trong ra, đặt nó xuống một chiếc bàn thấp kiểu chân quỳ ở giữa căn phòng. Đó là căn phòng vuông vức trong một ngôi nhà kiến trúc kiểu châu Âu được xây cất từ hồi đầu thế kỉ trước. Sàn gỗ lim bóng loáng. Chiếc lò sưởi xây lõm vào một bên tường nay là chỗ để bếp dầu và đồ gia dụng. Đối diện với cái lò sưởi là bàn học và chiếc giường gấp của Lâm. Mẹ và Hạnh ở cùng nhau trong căn buồng nhỏ sau lò sưởi. Khung cảnh sống thật gọn ghẽ, thật tiêu biểu cho một gia đình nho nhỏ, có người cha đã tái ngũ khi cuộc chiến tranh chống Mĩ bắt đầu.

- Em cho anh Nam xem tranh em vẽ này!
Làm cho không khí trở nên gần gụi chính là Lâm. Lần nào Nam đến chú cũng đem tranh vẽ ra khoe. Chú là một năng khiếu hội họa. Hàng tuần chú vẫn theo học vẽ ở Cung văn hóa thiếu nhi. Lần nào cũng vậy, thấy em sán đến bên Nam khoe tranh là thế nào Hạnh cũng tố cáo nó, rằng thì là hôm qua nó đã lấy cuốn vở này, hôm nay nó lại xé cuốn sổ kia của Hạnh để làm giấy vẽ, rồi không biết còn lấy giấy ở đâu để phục vụ cho tài năng hội họa của nó nữa. Thường thường lúc ấy Nam hay bênh Lâm. Lần nói rằng, các họa sĩ thời Phục Hưng họ hay vẽ trên các vòm cong của nhà thờ Ki tô giáo. Lần thì bảo, thời hiện đại thì ông Pablo Picasso danh họa nước Pháp khắp căn nhà không còn sót một mảng tường nào không có hình ông vẽ. Tất nhiên là Hạnh đã nguýt anh một cái thật dài. Lại còn vẽ đường cho hươu nó chạy thế nữa. Và câu chuyện thường là bị ngắt quãng nhờ mẹ Hạnh. Như hôm nay bà gọi Lâm lại để lấy cữ đan lại cho chú cái áo len.

Trời sắp chuyển sang đông rồi. Nam mở cái cặp bìa lưu những bức tranh Lâm vẽ. Gió khua lao xao những cành me trên sân thượng. Có tiếng con mèo con văng vẳng. Đã lấy cữ xong tầm vóc Lâm, mẹ Hạnh đang bắt len vào que đan thì ngước dậy:
- Tội nghiệp, nhà chị Biền ở gác ba dọn đi để lại con mèo mướp. Hạnh, con lên bắt nó xuống xem nó thế nào. Hôm nay mẹ mua một mớ cá mài mại kho trong cái niêu để trong chạn thức ăn đấy.

Con mèo mướp lông da nhặm nhuồi, bằng cái chày giã cua ngồi thu lu nhỏn nhẻn ăn bát cơm trộn cá. Hạnh mở tủ lấy ra một con len.
- Anh Nam đưa hai tay đây em nhờ tí nào.
Những sợi len gỡ ra từ con len lần lượt chạy vòng qua hai cổ tay Nam, óng ánh óng ánh màu xanh cổ vịt.
- À, anh Nam này. Mậu dịch thỉnh thoảng có bán len, hôm nào mua được, em đan cho anh một chiếc nhé.
Nam lắc đầu nhè nhẹ, không cần đâu, anh có cái săng đay cổ lọ rồi.

Chuyện này lan man sang chuyện kia. Đang vậy thì có tiếng gõ cửa. Ông tổ trưởng dân phố loạt xoạt cái áo bạt ghé vào. Mẹ Hạnh đi ra.
- Chào bác Mẫn ạ.
- Không dám chào bà. Tôi chỉ tạt qua hỏi xem hòn đất chống lụt nhà mình đã có chưa thôi. Năm rồi thủy văn báo nước sông không to như năm ngoái, nhưng bây giờ vẫn cứ phải phòng bị. Rất có thể thua to ở miền Nam giặc Mĩ nó giở trò cắn càn.

Hạnh bước ra, nhanh nhẩu:
- Thưa bác tổ trưởng, cháu chuẩn bị đầy đủ cả ba suất ba hòn rồi. Có lệnh là cháu vác đi ngay ạ.
Ông tổ trưởng gật gật:
- Này, hôm qua gia đình có nghe tin chiến sự miền Nam không? Đặc công Sài Gòn của ta vừa diệt gần hai chục giặc lái Mĩ ở khách sạn Palace đấy. Kiểu này thì thằng Mĩ trước sau rồi nó cũng gây sự với Hà Nội, với miền Bắc mình thôi. Nhưng mà trên đã có kế hoạch rồi, đừng lo nhé.

Ông tổ trưởng đã đi. Câu chuyện đã chuyển làn. Mẹ Hạnh trở vào, bỏ dở việc đan áo, quay lại hỏi, lâu rồi anh Nam có nhận được tin của ông thân sinh không. Nam đáp, gần đây cháu nhận được thư của bố cháu. Bố cháu bảo, đang đóng quân ở vùng Tứ giác Long Xuyên. Thư theo đường giao liên ba tháng mới tới Thái Nguyên, từ đấy mẹ cháu gửi về cho cháu mất thêm một tuần nữa. Hạnh thì thầm, giá bố em cũng ở đấy với bố anh thì hay quá anh nhỉ? Nam ngước lên. Mẹ Hạnh chớp chớp mắt. Hai mũi kim đan lặng lẽ chuyển động. Chắc là bà đang nhớ tới người chồng đi B đã ba năm. Đầu năm có người bạn từ Nam ra cho biết, đơn vị của ông đang chuyển quân về miền Tây Nam Bộ. Lâm đang cặm cụi trên bàn học, bỗng ngẩng lên:
- Anh Nam à. Nếu vậy thì Mĩ nó sẽ cho máy bay bắn phá Hà Nội à?

Vòng len từ tay Nam đã chuyển thành cuộn len tròn như quả dưa bở, Hạnh quay sang em:
- Lại vẽ đấy à? Mà vẽ cái gì thế này. Máy bay Mĩ bị bắn rơi cháy đùng đùng. Thằng này khéo tưởng tượng thật. Nhưng thôi học đi! Chuyện đến đâu khắc có đó.

Rồi Hạnh quay sang nhìn Nam:
- Anh Nam này, trên Thái Nguyên quê anh có khu gang thép chắc cũng phải chuẩn bị anh nhỉ? Trường em tuần lễ này nghỉ học tập quân sự. Lớp chúng em năm cuối vẫn học bình thường, dự kiến nếu Mĩ nó có đánh phá Hà Nội mình thì cũng xong khóa học.
Nam nghĩ: Vừa chiến tranh vừa hòa bình, cả nước lâu nay vẫn sống trong trạng thái tinh thần ấy rồi. Chỉ mong Hà Nội còn được yên bình một thời gian nữa. Mình mới đang năm thứ hai.
*
* *
Mùa thu đã lặng lẽ đi qua. Chớm đông, gió mùa đông bắc năm nay về sớm nhưng rét nhè nhẹ. Ngày trôi đi trong yên bình. Đêm thứ bảy chớm lạnh này gia đình Hạnh có thêm những niềm vui khác thường. Mẹ Hạnh vừa nhận được thư của bố Hạnh từ chiến trường gửi tay bạn ra họp. Em và con gái yêu quý. Anh và các đồng chí của anh ở trong này đang chiến đấu với ý thức rõ ràng là để ghìm chân giặc, để bảo vệ miền Bắc yêu quý và Hà Nội thiêng liêng của chúng ta. Chiều nay, mẹ Nam từ Thái Nguyên gửi về biếu mẹ Hạnh một cân chè Tân Cương. Mọi chuyện lại tiếp nối trong không khí vui vẻ ấm áp và hương chè thơm ngát trong căn phòng nhỏ. Con mèo mướp đang co ro bên cái ấm giỏ cạnh mẹ Hạnh. Chiếc áo len đan cho Lâm đang ráp nối hai cánh tay. Nam kể, khoa Cầu đường của anh đã thành lập tiểu đoàn tự vệ. Đang lúi húi bên bàn học, Lâm bỗng ngẩng lên: Anh Nam xem hộ em bài toán quỹ tích này với!

Nam cầm quyển vở, vừa mới giở trang đầu thì bỗng thấy hai mắt tối sầm. Chuyện gì vừa đột ngột xẩy ra thế! Ngoao! Phát ra một tiếng kêu hoảng hốt, con mèo mướp từ cái ấm giỏ thơm hương chè Tân Cương nhảy phắt xuống đất. Vọng lại tiếng còi báo động từ Nhà hát Lớn bị gió mùa thổi bạt âm âm u u nghe không thật. Nam đứng ngay dậy. Quyển vở toán tụt xuống sàn nhà. Đèn điện trong nhà đồng loạt phụt tắt. Nam rờ rẫm bước tới. Chuyện gì đã xảy ra tiếp theo thế? Không thể hiểu nổi. Nhưng đáng lẽ phải ngồi thụp xuống thì anh hất đầu, ngước mắt lên cao. Cả không gian đang im ắng bỗng vỡ òa ra cả trăm mảnh. Một đoàn tàu lửa siêu tốc vừa đột ngột ầm ầm băng qua trên thiên đình? Một trận động đất khởi phát thình lình cùng những đợt nổ dây chuyền kinh thiên động địa từ thuở hồng hoang? Không! Một tiếng sét vừa nổ vang inh tai choáng óc đang sạt qua, kéo theo một vệt dài tia lửa điện rà sát xèn xẹt ngay trên đầu anh, trên đầu mọi người, trên nóc căn nhà khiến cả không trung cùng rung lên bần bật vì kinh động.

- Máy bay trinh sát Mĩ!
Nam kêu to. Anh đã nhận ngay ra tình thế. Hạnh run cầm cập, lảo đảo trong bóng tối. Anh! Nhận ra tiếng gọi thất thanh và cái ôm choàng của Hạnh, Nam vòng tay kéo sát Hạnh vào ngực mình:
- Đừng sợ, em! Quay lại giữa căn phòng, Nam nói to: Cả nhà bình tĩnh. Việc này trên đã có cảnh báo.

Buông Hạnh, anh móc túi lấy chiếc bật lửa. Ngọn đèn bão chập chờn rồi dựng ngọn loe hoe sáng. Mặt Hạnh trắng bệch. Lâm lỏn ra cửa, nhảy tót lên sân thượng. Bầu trời vừa lục bục những tiếng nổ của pháo cao xạ ở phía cầu Long Biên. Mẹ Hạnh cầm cây đèn lẩy bẩy:
- Sao nó lại lọt được vào đây nhỉ?
Nam đáp:
- Nó bay thấp dưới tầm quét của ra đa cô ạ. Tình hình sắp tới chắc là không yên đâu. Chắc chắn chiến tranh phá hoại của bọn Mĩ sẽ leo thang tới Thủ đô ta. Nhưng chúng ta sẽ đứng vững!

Ngọn đèn bão tỏa một vùng ánh sáng vàng ệch trong căn buồng. Gương mặt vuông vức của Nam hằn những vệt đen trắng gân guốc. Tiếng Nam nói mạnh mẽ tràn đầy tin tưởng. Lâm chạy từ sân thượng xuống, giơ hai nắm tay, reo:
- Lần sau thể nào thằng ăn trộm này cũng tan xác anh Nam ạ.
- Quá đi chứ! - Nam gằn theo, hào hứng.

Yên tĩnh cân bằng nhanh chóng đã trở lại. Ngoài đường phố ô tô chạy rầm rầm. Nghe thấy tiếng loa của ông tổ trưởng Mẫn: Đồng bào chú ý. Giặc Mĩ càng hung hăng càng chứng tỏ ngày tận số của chúng đã đến gần. Mặt hưng hửng, Hạnh và mẹ cùng đi lại góc phòng mở toang hai cánh cửa tủ đứng, lôi ra mấy cái ba lô.
Hạnh nhìn Nam:
- Trường anh có đi sơ tán không, anh Nam?
- Có. Trường anh sơ tán lên Lạng Sơn. Nhưng lớp thứ hai bọn anh đăng kí ba sẵn sàng ở lại trực chiến. Còn trường Hạnh?
- Hôm rồi họp, trường em phổ biến kế hoạch sơ tán lên huyện Thạch Thất. Bực mình quá. Thế là năm cuối còn chưa xong.
- Không sao đâu. Tất cả sẽ ổn mà em.
- Em biết! Em chỉ lo cho anh thôi!

Hạnh nói khe khẽ rồi quay lại với mẹ:
- Mẹ à. Tổ dân phố phân công nhà ta tham gia đào đắp căn hầm ở cuối phố mẹ ạ.
- Mẹ biết rồi.
- Mẹ à. Cơ quan phụ nữ quận của mẹ cũng có kế hoạch sơ tán rồi chứ mẹ.
Không thấy tiếng mẹ Hạnh đáp. Bà đang lúi húi với đống quần áo mới lấy ra từ chiếc tủ đứng hai buồng.
*
* *
Chiếc máy bay trinh sát Mĩ đêm ấy đã chia tách cuộc sống của thành phố, của Nam và gia đình Hạnh thành hai thời đoạn. Đêm đêm đường phố rầm rầm các cuộc xuống đường của thanh niên sẵn sàng chia lửa với miền Nam thân yêu. Các ụ hầm nổi mọc lên khắp các khu phố. Thư cho mẹ ở Thái Nguyên, Nam viết: Mẹ ơi, bây giờ cuộc sống của cả trường con cũng như cả miền Bắc nước ta là vừa có chiến tranh vừa hòa bình mẹ ạ. Lớp chúng con buổi sáng lên giảng đường, buổi chiều trực chiến bắn máy bay. Nếu có ai về Thủ đô dịp này muốn tìm con thì mẹ bảo, hãy đến tòa nhà Ngân hàng Trung ương ở phố Lê Lai và ngước lên tầng thượng. Con ở đó, đội mũ sắt, tay cầm cờ đỏ, cổ đeo ống nhòm, bên cạnh là khẩu 12li7. Có khẩu này thì bọn máy bay trinh sát Mĩ đừng có hòng làm bọn con giật mình như đêm đầu đông vừa rồi mẹ ạ. Mẹ ơi, điều này con có nói thì xin mẹ cũng đừng phải bận tâm lo lắng nhé. Trường Sơn sớm nắng chiều mưa. Ai chưa đến đó thì chưa hiểu mình. Mẹ hiểu cho con như trước kia mẹ hiểu bố nhé!
FullSizeRender (2)
Minh họa: Phạm Hà Hải

Một chiều mùa hạ, sau giờ trực chiến, Nam đạp xe qua con phố nọ. Dừng xe, ngước nhìn tầng hai căn nhà Hạnh, thấy cánh cửa sổ hé mở và có tấm khăn quàng đỏ bay phơ phất, tim anh lồng lên vì sung sướng. Từ ngày giặc Mĩ bắt đầu đánh phá thành phố, thực hiện lệnh sơ tán, anh và Hạnh ít có dịp gặp nhau. Làm thế nào để Nam biết Hạnh đã từ nơi sơ tán hiện có mặt ở nhà? Tín hiệu nọ đã được đặt ra.

Nhảy ba bước cầu thang một, Nam đã ôm chầm lưng Hạnh khi cô đang lúi húi thu dọn ở trước cái lò sưởi.
- Trời, anh làm em nghẹt thở rồi. Em vừa ở trên Thạch Thất về. Hãy khoan để em xếp gọn mấy thứ này đã.
- Em khỏe không? Mẹ em và Lâm thế nào rồi?
- Em khỏe. Thằng Lâm đen trùi trũi suốt ngày chạy nhẩy ở ngoài đồng với bọn trẻ con làng Chùa. May quá anh ạ. Cơ quan mẹ em cũng sơ tán về huyện ấy. Khác xã nhưng cũng không xa. Cuối cùng quy về được một mối. Một bà cụ ở xóm Chùa nhường cho cả một gian nhà ngang để mẹ và chúng em ở. Anh ơi, bao lâu nay, em chỉ biết Rủ nhau chơi khắp Long Thành. Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai. Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai…, chả biết nông thôn là gì. Đây này anh. Được tin em đi thực tập nghiệp vụ ở Đông Anh, bà cụ bắt mang theo những gì anh xem đây. Mười quả trứng gà nhà. Một con cá quả gần một cân kho riềng. Nửa quả bí đỏ. Một quả bí xanh. Rồi còn gì nữa. Cái túi này đủ cả rau muống, rau bí, ngải cứu, lá lốt hái ở trong vườn. Anh ơi, anh đã biết hội làng là thế nào chưa? Đủ hết các trò vui. Lạ nhất là trò thi nấu cỗ xôi gà. Gà vẫn nuôi từng giáp. Toàn giống gà mía. Cho ăn nhồi. Gọi là ông gà. Còn gạo nếp xay giã phải chọn người sạch sẽ. Vừa xay giã vừa thắp hương cho nhuần vào gạo. Vào lúc xét giải, người các giáp đứng chờ muốn nghẹt thở. Mà giải thưởng cho người và giáp chiếm giải nhất vẫn chỉ là ba quả cau! À, em đã mua được ba con len xanh đủ đan cho anh chiếc áo len dài tay rồi đấy!

- Em!
- Anh!
Nam vừa cất tiếng gọi vừa kéo Hạnh đứng dậy đã ngẩn người và đưa mắt nhìn quanh. Căn phòng quen thuộc có không khí là lạ. Cả một mảng tường phía đối diện lò sưởi là một mảng màu đỏ đỏ đen đen. Một bức tranh tường. Một chiếc máy bay xòe hai cánh, thân in mấy chữ sơn trắng Air Force USA sạt qua những mái nhà đổ nghiêng. Một bóng ma. Một con quái vật. Xa xa lập lòe những vệt đạn cao xạ trắng lóa.

- Không biết ai vẽ đường cho hươu nó chạy thế nhỉ!
Hạnh nói môi thoảng một nụ cười hoa. Nam áp mặt và cổ Hạnh, thì thầm:
- Anh phải cám ơn Lâm. Em có nhớ không, đêm ấy lần đầu tiên anh được ôm em. Chiến tranh đâu có phải tất cả đều là tệ hại nhỉ. Mấy tháng rồi. Trông anh thế nào?
- Hơi gầy một tí. Nhưng rắn rỏi.
- Tốt rồi! Đừng đan áo len cho anh nữa. Miền Nam không rét đâu.
- Em hiểu. Thế thì bỏ dở việc học à?

Nở tròn hai con mắt, Hạnh đánh rơi cái túi bạt đựng mấy bó rau xuống sàn nhà và kiễng chân vòng hai cánh tay choàng lên cổ Nam. Hai người ngả xuống. Mặt sàn gỗ lim mát rười rượi khiến Nam nhận ra cơ thể anh và Hạnh cùng đang như hơ lửa. Vồ vập. Đôi môi của hai người lập tức dính chặt vào nhau. Cái hôn thật sâu và lâu. Đến mức rời nhau, cả hai cùng thở dốc một hồi dài rồi lại sáp vào nhau ngấu nghiến tham lam, tưởng như sẽ chẳng bao giờ còn được như thế. Không thể đừng được, anh liền chồm lên người nàng. Cả cơ thể anh giờ đã đè ép lên toàn thân nàng. Nàng không phản đối, anh thoáng nghĩ và vục mặt xuống khuôn ngực nàng, nhận ra hơi mát từ mỗi miền da thịt của nàng đang tan thấm vào mỗi miền da thịt anh. Ngây ngây, thấp thỏm và bồi hồi anh có cảm giác vừa sung sướng vừa e sợ trước một hạnh phúc vừa gần cận vừa thiêng liêng xa lạ và quá tầm. Run rẩy anh đưa tay đặt lên chiếc khuy ở cổ áo nàng. Anh nhìn cặp mắt hai mí rất đẹp của nàng đang khép hờ. Một vùng thiên nhiên rười rượi đang tỏa mát lên gương mặt anh. Loa lóa trước mắt anh là tòa cung điện bí ẩn với hai bầu vú trinh nguyên nõn nà của nàng vừa khai mở. Khuôn mặt vuông vức của anh bỗng chuyển dần sang màu đỏ hực. Trong khi con tim trong ngực anh đang lìm lịm bỗng đập lồng lên. Cuống cuồng anh vội cúi xuống hôn phớt lên hai bầu ngực mẩy mang như hai búp măng non của nàng và nhẹ nhàng kéo hai vạt áo của nàng khép lại. Nàng xoay nghiêng người, co hai chân lên, đặt hai tay vào giữa hai đầu gối, tròn đầy như một trái quả chín cây và rúc vào lòng anh, thỏ thẻ như biết ơn anh: Để dành lúc anh về anh nhé!
*
* *
Mới đó mà đã hơn hai chục năm xa rồi!
Bây giờ thì anh đã trở về. Và vào các tối thứ bảy anh lại đạp xe đến đứng đợi ở đầu con phố có mặt hè thoáng rộng này. Thì vẫn là cái bồn chồn nôn nao trong tiếng chuông nhà thờ đổ hồi. Tiếng chuông vẫn là nó cách đây bao nhiêu năm. Vẫn là cái nhịp điệu văng đảo đã được chế định nhưng sao giờ nghe nó chênh chao thế nào. Cả anh nữa, anh dắt xe đi dọc theo mặt hè rộng thênh thang của con phố mà sao lại ngất ngư như say lả khi sắp đến ngôi nhà đánh số 100 nọ.

Ngôi nhà xưa cũ còn đây. Dẫn vào vẫn là một chiếc cổng sắt, bên cạnh có một quầy thuốc lá và tiếp đó là một con ngách tối mờ dưới ánh đèn hai lăm oát như đường hầm. Cái ngách dẫn lối đi lên tầng hai căn nhà, nơi anh thường lợi dụng đêm tối ôm hôn Hạnh trước khi Hạnh nhảy chân sáo lên cầu thang và cất tiếng reo lanh lảnh: Mẹ ơi, anh Nam đến chơi!

Đã không biết bao nhiêu lần anh đi vào cái ngách tối ấy và một quầng sáng đột ngột phủ trùm lên anh khi anh từ đó trở ra. Con đường trải nhựa xưa nay là một đại lộ với những ngọn đèn cao áp mở ra cả một khoảng không bát ngát. Anh đứng ngẩn và mỗi lần như thế anh lại như một kẻ vừa tan mộng ảo, nhận ra hoàn cảnh sống mới của mình. Anh đã trở về sau những năm chiến tranh dài dặc mịt mùng. Một lần suýt chết ngạt vì bị bom vùi rồi sống lại. Một lần bị một mảnh pháo địch xuyên qua lá phổi trái, xác thân đã được gói lại để mai táng rồi lại hồi sinh. Gần mười hai năm nằm điều trị một căn bệnh liên quan đến thần kinh. Đã tưởng là vô vọng. Vậy mà không! Phải chăng là do kí ức sống động không chịu tan biến trong anh đã tạo nên sức sống kì diệu? Phải chăng vì lời hẹn là anh sẽ trở về? Nhưng thôi, kể lể than van làm gì vì anh đã tự nguyện dấn thân, vì đó không phải là tính cách của anh.

Ngôi nhà, căn gác hai in dấu kỉ niệm của anh thật sự đã lui về phía sau và đang chìm vào trong đêm tối. Phía trước nó như vừa mọc lên từ lòng đất một tòa nhà mỏng mảnh nhưng cao nghễu nghện sáu tầng. Đó là một khách sạn, sáng trưng ánh điện, mang cái biển hiệu vàng chóe có cái tên thật kiêu căng: Mộng đẹp huy hoàng. Đưa mắt nhìn quanh, anh thở ra nhè nhẹ, thì ra không phải chỉ riêng ngôi nhà xưa của anh, mà là tất cả những gì đã quen thuộc với anh hơn hai mươi năm trước, đều như đang mở chìm trong bóng đêm. Để nhường chỗ cho một thực tại lúc này là độ sáng chói lọi, mạnh mẽ, ngang nhiên trong thế áp đảo của những tòa cao ốc lấp lánh sắc màu nối nhau dọc theo bờ hè. Những shop thời trang. Những quán bar. Những Restaurant. Những cửa hàng mĩ phẩm. Những tiệm vàng, hiệu may, ảnh viện, chi nhánh ngân hàng. Và những siêu thị choáng lộng, chất ngất hàng tiêu dùng.

Đã trôi trượt đi một cái gì đó thật thân mến, thật giản dị và thật thiêng liêng về phía tít xa. Và bây giờ, đối diện với anh là một đời sống có phần trẻ trung nhưng vẻ như mỗi lúc một xa lạ. Xa lạ thật rồi so với tuổi tác của anh! Và ngược chiều với cuộc sống vật chất ngày càng trở nên dồi dào hơn, nhiều màu vẻ hơn, phong phú hơn, thì hình như đời sống tinh thần con người càng lúc càng trở nên nghèo nàn, nông cạn, thô phàm hơn. Chứng cớ là vẻ êm đềm của con phố đã chẳng còn. Ngược xuôi hai bên con đường xưa thanh vắng là những dòng xe máy ô tô nườm nượp hối hả chạy như trong cơn rối loạn tâm thần.

- Anh lại đến à? Cám ơn anh đã có lời hỏi thăm.
Lần này anh đến và dừng lại ở trước quầy bán thuốc lá đặt bên chiếc cổng sắt. Quầy thuốc lá giờ là một tủ kính lấp loáng những White Horse, Capstan, Míc, Basto, Philip…, toàn thuốc lá ngoại. Thay thế ông già bán thuốc thường hay đọc tờ Tin tức Mạc Tư Khoa bằng tiếng Pháp giờ là cô con gái con ông, một phụ nữ tuổi ba mươi, xộ xệ, có khuôn miệng lúc nào cũng lấp láy ánh cười. Nghe anh hỏi chuyện, cô vỗ tay, reo nho nhỏ:

- Thế thì em nhớ ra rồi. Hồi trước anh hay đến đây. Bố em bảo, anh là người yêu của chị Hạnh đúng không? Hồi ấy em bé tí, còn đi học cấp một. Ông cụ nhà em mất đã được mười năm. Còn em đã hỏi hộ anh rồi. Cách đây đã lâu chị Hạnh và mẹ chuyển cư vào Sài Gòn. Lí do là hồi ấy chị bị ốm liền mấy năm mà chẳng hiểu là bệnh gì, đến nỗi phải bỏ nghề dạy học. Sau nghe bác sĩ khuyên nên chuyển cư vào Nam khí hậu thuận hơn. Gần đây thì em được biết là chị Hạnh đã lấy chồng, một anh Việt kiều và đã cùng chồng đi Mĩ rồi. Mẹ chị mất cách đây đã lâu. Là em nghe cậu Lâm nói lại. Cậu là họa sĩ hay đi đây đi đó, thi thoảng mới tạt qua nhà thôi. Hôm qua cậu ấy có về gửi chìa khóa cho em, bảo nếu có ai muốn mua thì dẫn họ lên xem.

Nam đứng lặng. Căn phòng những tối thứ bảy. Bức tranh tường. Đêm kinh động và hào hùng. Mặt sàn gỗ lim bóng nhẫy. Cảm giác mát rượi. Và cái dáng con gái tròn đầy như trái chín rúc vào lòng anh của Hạnh cùng tiếng nói thỏ thẻ đầy vẻ biết ơn của nàng: Để dành ngày anh trở về anh nhé!
*
* *
Nam trở về nhà lúc mười hai giờ đêm. Nơi anh ở giờ là một góc trong một căn buồng nhỏ trong khu tập thể của những người độc thân của đội cầu, nơi anh làm việc trước khi được gọi về trường đại học. Gần hai chục năm đã trôi qua rồi còn gì. Mẹ anh đã khuất bóng. Người cha ở chiến trường Tứ giác Long Xuyên cũng không trở về. Còn anh, sau chiến tranh, kiến thức rơi vãi hết, lại mang những vết thương khắp cơ thể, anh chỉ còn có thể trở lại đội ngũ những người thợ làm cầu. Thợ cầu, ngày anh được nhận vào làm việc ở đây, là một danh hiệu cao quý. Trên các áp phích cổ động đứng đầu bao giờ cũng là hình ảnh anh công nhân vạm vỡ sáng tươi. Và quả thật đó là một thời kì lịch sử, không có khoảng cách giữa hiện thực và lí tưởng; cuộc sống là những ngày gian khó nhưng vô cùng hào hứng. Anh từ Thái Nguyên sau tốt nghiệp phổ thông được tuyển vào đội cầu này và sau ba năm lặn lội với nắng gió công trường, anh được gọi thẳng về khoa Cầu đường trường đại học. Ở đó, một lần giao lưu giữa trường anh và trường sư phạm của Hạnh, anh và Hạnh đã quen biết và yêu nhau.

Thấy Nam về, ông già ở cùng buồng với anh đang ghé tai nghe đài chống tay nhổm dậy. Nam vội hỏi thay cho câu chào:
- Bác chưa ngủ ạ.
- Chợp mắt được chút rồi.

Ông già quờ chân rồi lệt xệt đôi dép đi vào nhà vệ sinh. Cái đài bán dẫn rỉ rỉ tiếng hát một khúc dân ca Italia: Có biết bao giờ lại gặp cô em thời ấu thơ. Một phút gần nhau để rồi mãi mãi lìa xa... Nghe mà rưng rưng thương nhớ quá.

Ông già đã trở ra, kéo chiếc bồ nứa đựng chiếc điếu cày lại đầu giường:
- Anh đi thăm người quen à. Có gặp không? Tôi động thiếp đi là mê. Mà mê toàn gặp lại người cũ cảnh xưa. Mà đa phần là những người đã mất rồi. Vừa rồi mê gặp toàn bạn bè cũ đi trên chuyến tàu điện chạy đường Hàng Cỏ - Cống Vọng. Chà, cái tiếng chuông tàu điện rập leng keng nó ám vào trí nhớ có nhẽ cả đến lúc chết.

Ông già cúi xuống, nhấc chiếc điếu cày.
- Mấy hôm nay anh có nghe đài không?
- Em có nghe nhưng không chuyên tâm lắm.
- Có một chuyện rất có ý nghĩa.

Ông già nói, nhìn Nam:
- Anh biết là tháng mười năm 1989 Liên Xô đã phóng con tàu vũ trụ có hai nhà du hành rồi chứ. Sau ba năm ở trên trời họ vừa quay trở về trái đất đấy. Theo thông lệ, như là Iuri Gagarin, German Titov, các nhà du hành trước đó nữa, họ sẽ được phong danh hiệu anh hùng. Anh hùng Liên bang Xô viết, đúng không? Vậy mà rất buồn là điều đó đã không xảy ra. Vì sao? Vì khi họ từ vũ trụ hạ cánh xuống đất thì vật đã đổi sao đã dời. Liên bang xã hội chủ nghĩa thành trì của hòa bình trên thế giới còn đâu nữa sau một cuộc đảo chính! Thật đúng như lật bàn tay. Hỏi có buồn kinh khủng không?

Nam khe khẽ rùng mình. Nghe cứ như chuyện Từ Thức lên tiên. Hay đó chính là chuyện của anh trở về sau chiến tranh?
Ruýt ruýt… chiếc điếu cày rít váng xiết một vệt âm thanh chói tai trong căn buồng. Khói thuốc lào khen khét trắng xóa một góc buồng. Giọng ông già nhòe nhòe trong tiếng ho khậm khoặc:
- Nam này, anh có nhận thấy, bọn trẻ ở nhà quê ra thành phố làm việc, chúng luôn nhớ làng quê không? Tôi có thằng cháu ở làng lên thành phố này làm phu hồ mà chủ nhật nào cũng đèo vợ con về thăm cha mẹ. Chăm lắm! Tôi có cảm tưởng là bọn này ăn ở có hiếu với cha mẹ hơn bọn trẻ ở thành phố. Mà anh xem, các ông bà nhà quê đẻ con ra, săn sóc con cái có ra gì so với dân thành phố!
Nam im lặng. Ông già tiếp:

- Hay là ở thành phố bây giờ cuộc sống đã trở nên xô bồ, thiếu đi cái thâm trầm sâu lắng, nói rộng ra là thiếu kí ức? Mà thiếu kí ức thì... hỏng rồi còn gì. Thành ra nghe nói ở Nhật Bản cứ sắp đến ngày Mĩ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hirôsima và Nagazaki là người ta lại mở một lớp học gọi là lớp học kí ức. Người ta mời những người còn sống sót từ hồi xảy ra sự kiện lịch sử kinh hoàng đó đến kể lại những gì đã mắt thấy tai nghe cho mọi người thế hệ sinh sau để nhớ… Để nhớ…

Thu hai tay vào lòng, Nam ngồi trong im lặng. Im lặng để chìm vào nỗi nhớ, vào kí ức. Để nhớ những ngày đã xa, những ngày một đi không bao giờ trở lại.

Ngày 5/3/2015 - 10/2017
M.V.K
Nguồn: vannghequandoi.com.vn
 
Liên kết
Liên kết web
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 102125