CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CÔNG KHAI - MINH BẠCH - CHÍNH XÁC - HIỆU QUẢ VĂN MINH - THÂN THIỆN - TRÁCH NHIỆM LÂY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ; SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ THƯỚC ĐO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ PHỤC VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
  22/10/2021     |  Lượt xem 63   

Ảnh hưởng của Phật giáo đến tâm hồn người Việt

Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam được tiếp nhận dễ dàng, tự nhiên vì tư tưởng có nhiều điểm tương đồng với phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc. Phật giáo từ ngoại lai trở thành bản địa, từ xa lạ trở thành thân thuộc với mọi người. Có thể nói, chính truyền thống sẵn có của dân tộc đã dễ dàng hòa quyện với giáo lý Phật giáo, tạo nên một chủ nghĩa tích cực mang màu sắc Việt Nam, một nhân tố bền vững trong nhân sinh quan của dân tộc. Tư tưởng của Phật giáo rất đồ sộ, có ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người Việt.

Tư tưởng Phật giáo hướng đến đạo đức, từ bi, khoan dung

Phật giáo chủ trương đem tình yêu thương đến với mọi người. Từ bi là phạm trù thuộc tứ vô lượng tâm, bao gồm: từ, bi, hỷ, xả. Tâm từ là tình thương bao la, không giới hạn; đem lại hạnh phúc cho mọi người, mọi loài, cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh mà quên đi những lợi ích của bản thân. Tâm bi là thương xót vô lượng, vô biên nhưng không bi lụy, vì thế trở thành động lực cho việc cứu khổ, cứu nạn. Đây cũng là đức tính giúp cho con người sống cao thượng hơn, gần gũi hơn. Tâm hỷ là sống vui vẻ, bất kể thất bại, nghịch cảnh, vui với thành công của người khác là vô lượng vô biên. Tâm xả là đem hết sức mình để cứu người, giúp người không mong bù đắp, là tinh thần hy sinh vì tha nhân. Tâm từ và tâm bi là tiền đề, khởi đầu cho tâm hỷ, tâm xả. Sự rung động, lòng trắc ẩn, cao thượng hướng về nỗi đau của người khác sẽ định hướng cho con người trong lý trí, hành động, sẵn sàng quên mình vì mọi người. Xây dựng tứ vô lượng tâm, Phật giáo muốn nhấn mạnh vào cái tâm của con người, đó là đạo đức, lòng người, trí tuệ. Cái tâm của con người nằm trong mối quan hệ biện chứng với xã hội. Do đó, khi nói đến đạo đức của Phật giáo, người ta thường nói đến từ bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha, cho nên tứ vô lượng tâm vừa là cái thiện hoàn chỉnh, vừa là lòng khoan dung rộng lớn của Phật giáo.

Nhân sinh quan Phật giáo đã hòa đồng với tập quán, tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam. Đạo đức xã hội coi trọng chữ tâm, coi đây là gốc để tạo nên sức mạnh, động lực cho sự phát triển xã hội. Tư tưởng Phật giáo đã góp phần củng cố đạo đức xã hội, tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, góp phần tạo nên nhân cách con người. Tư tưởng Phật giáo phù hợp với truyền thống nhân đạo, thương người như thể thương thân của đạo lý người Việt. Tinh thần này còn được biểu hiện cao độ ở trong đối xử với tù nhân ở các cuộc chiến tranh nhân dân, khi đã quy hàng thì luôn nhận được sự đối xử khoan hồng của nhân dân ta; những kẻ lầm đường, lạc lối khi đã hối lỗi cũng luôn nhận được sự tha thứ của dân tộc.

Xây dựng triết lý lấy vị tha làm lẽ sống cao cả, lý tưởng của mình

Phật giáo nói đạo lý vô ngã là muốn con người hiểu rằng cái tôi thực ra chỉ là giả tướng do 4 đại: đất, nước, lửa, gió tạm thời hợp nhau tạo thành, theo quy luật có ngày nó sẽ bị tan rã, suy yếu, già rồi chết. Do vậy, con người không nên mê muội theo đuổi danh lợi, không cần thiết phải tranh giành mà cần phải độ lượng, khoan dung với mọi người. Đó cũng chính là cách con người hoàn thiện bản thân để tiến tới giải thoát. Với thuyết vô thường, vô ngã, Phật giáo đem lại cho con người một triết lý sống vị tha, nhân bản. Khi đã thấu suốt được chân lý này, con người sẽ vươn lên khỏi cuộc sống vị kỷ mà sống theo tinh thần từ, bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha. Như vậy, Phật giáo là một tôn giáo giàu tình thương, yêu chuộng hòa bình. Với lý tưởng nhân văn, bác ái, Phật giáo dễ gắn bó với quần chúng, gần gũi với quan niệm nhân đạo cộng sản chủ nghĩa.

Yêu nước là giá trị cao nhất của người Việt Nam. Một dân tộc phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhưng trong đời sống luôn tha thiết hòa bình, quan văn trọng hơn quan võ. Ngay từ khi được du nhập vào nước ta, Phật giáo đã thẩm thấu vào truyền thống yêu nước trong suốt chiều dài lịch sử truyền thống dân tộc, thâm nhập vào đạo đức dân tộc theo truyền thống vì nghĩa, vì nước. Các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần đã có nhiều vị cao tăng là quốc sư, giúp vua về chính trị, quân sự, nội trị bang giao được lưu truyền trong sử sách. Các thiền sư giúp vua nhưng không tham quyền, tham lợi nên luôn được vua tin tưởng. Các thiền sư ở Việt Nam tu hành không phải theo lối bi quan, yếm thế mà luôn đồng hành cùng dân tộc, nhất là trong những thời điểm lịch sử khi đất nước có giặc ngoại xâm. Điều này có thể coi là sự hóa thân của Phật giáo vào truyền thống đạo đức của dân tộc.

Không phải chỉ khi Phật giáo là quốc giáo mà ngay cả khi đã nhường chỗ cho Nho giáo vào đầu TK XV thì ảnh hưởng của nó đến đời sống đạo đức của nhân dân ta vẫn rất đậm nét. Chẳng hạn tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi:việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạocũng rất gần gũi, tương đồng với đạo đức Phật giáo.

Nếp sống của con người Việt Nam hướng nội, rất nhạy cảm trước mọi niềm vui, nỗi buồn của người khác, sẵn sàng chia sẻ, đồng cam cộng khổ với những người xung quanh. Cái nghĩa ấy, ngoài yếu tố truyền thống, cũng có ảnh hưởng từ giáo lý nhân sinh Phật giáo. Bởi vậy, trong giải quyết các mối quan hệ, người Việt đề cao việc lấy cái tâm làm gốc, thiên về tình cảm. Trong gia đình, việc thờ cúng tổ tiên là một truyền thống, đạo lý của người Việt Nam, được cộng hưởng bởi đạo đức Phật giáo.

Đạo đức Phật giáo hướng thiện, chống cái ác, cảm hóa con người

Trong giáo lý Phật giáo, dù ở bất kỳ tập kinh, luận hay luật nào, dù ít hay nhiều cũng ngầm chứa những tư tưởng về cái thiện, mà tiêu chí đầu tiên làbất sát. Giá trị cao đẹp của đạo đức Phật giáo là từ bi, cứu khổ, cứu nạn. Nó vượt qua thời gian, không gian vì nó nhằm bảo vệ, phát huy, duy trì nhân bản, làm điều lành, hướng về điều lành hoặc ít nhất là đừng làm cái ác, đừng hướng về cái ác. Thuyết nghiệp báo, nhân quả, luân hồi với mục đích thiết thực của Phật giáo mong muốn ai cũng làm điều thiện, tránh điều ác. Nó có giá trị trong việc giáo dục, thực hành đạo đức, con người gieo nhân nào thì sẽ được quả ấy. Chính vì vậy, đã góp phần nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, có tác dụng điều chỉnh không chỉ ý thức đạo đức mà cả hành vi đạo đức của con người. Phạm vi ảnh hưởng của nó không chỉ với Phật tử mà còn cả xã hội. Trách nhiệm của cá nhân theo luật nhân quả là trách nhiệm cao nhất đối với đạo đức của chính mình, cố gắng làm điều thiện, tu nhân tích đức, tránh điều ác… để sẽ được nhân lành.

Mặt khác, thuyết nhân quả, nghiệp báo, luân hồi còn cho thấy rằng con người không chỉ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình lúc còn sống, mà còn cả sau khi chết, vì chết chưa phải là hết. Sự kết thúc một cuộc đời này sẽ là sự kế tiếp của cuộc đời khác. Như vậy, nó giúp cho con người hạn chế được dục vọng, thói ích kỷ, đề cao cái tôi dẫn đến tham lam, tàn bạo, bất chấp lẽ phải, đạo lý, nhờ đó con người nói riêng, xã hội nói chung sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Phật giáo nêu cao thiện tâm, bình đẳng cho mọi người như là những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản của đời sống xã hội.

Để đạt tới mục đích tuyệt đối, chân lý cuối cùng để đi đến giác ngộ, giải thoát, Phật giáo cho rằng điều đầu tiên phải giữ giới. Trong giới luật của Phật giáo thì ngũ giới có thể coi như là những chuẩn mực cơ bản của đạo đức, bên cạnh đó còn có thập thiện, giới luật của tỳ kheo, tỳ kheo ni... Ngũ giới có vị trí hết sức quan trọng, nó được coi như là nấc thang ban đầu cho những ai tìm hiểu Phật giáo, bao gồm: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Theo Phật giáo, đạo đức được thể hiện rõ nhất trong việc giữ giới. Xét về bản chất, đây là những lời răn dạy cơ bản về đạo đức con người dù người đó có phải là phật tử hay không. Việc giữ gìn giới luật trước hết nhằm phát huy bản tính thiện, diệt trừ tham, sân, si, là phương tiện giúp cho con người vượt qua u mê, bể khổ, luân hồi đem lại cho bản thân con người sự trong sạch, giải thoát. Thực hiện ngũ giới thực sự có ý nghĩa đối với mỗi con người, toàn xã hội. Đối với con người, ngũ giới giúp hoàn thiện trong tư tưởng, hành vi, nhân cách theo nhân sinh quan Phật giáo. Những giá trị mà ngũ giới đặt ra, một mặt ngăn ngừa mầm mống nguy hại đến tư cách đạo đức con người, mặt khác có tác dụng khích lệ những hành động tốt đẹp, tránh xa cái ác, hướng đến chân, thiện, mỹ. Đối với xã hội, ngũ giới có ý nghĩa thiết thực trong việc xác lập trật tự an ninh, bảo đảm nếp sống tiến bộ, lành mạnh, văn minh.

Những quan niệm ở hiền gặp lành, gieo gió phải gặt bão, nhân nào quả đấy, cha mẹ hiền lành để đức cho con, bản chất từ bi hỷ xả... đã thấm sâu trong đời sống tinh thần dân tộc, hướng mọi tầng lớp nhân dân vào con đường thiện nghiệp, tu dưỡng đạo đức vì dân, vì nước. Triết lý nhân quả của Phật giáo còn góp phần quan trọng trong phòng ngừa ý định, hành vi vi phạm pháp luật của con người khi còn chưa bộc lộ.

Trong suốt tiến trình lịch sử kể từ khi được truyền bá vào Việt Nam, Phật giáo đã để lại dấu ấn trên nhiều lĩnh vực của đời sống tinh thần. Việc nhận thức, đánh giá ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo trong giai đoạn hiện nay cần phải trên cơ sở quan điểm duy vật biện chứng, từ đó có cơ sở khoa học để kế thừa, phát huy những giá trị tích cực, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017

 
Liên kết
Liên kết web
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 102729