Ngày 27/8, tại Trung tâm Thông tin – Hội nghị tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Văn hóa tỉnh Hưng Yên năm 2024. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu tỉnh tới điểm cầu các huyện ủy, thị ủy, thành ủy với trên 3.000 đại biểu tham dự. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành của tỉnh.
Tại điểm cầu huyện Văn Lâm có đồng chí Phạm Thái Sơn – TUV – Bí thư huyện ủy; đồng chí Phạm Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Trần Chu Đức, phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí BTVHU, BCH đảng bộ huyện; lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể; lãnh đạo Đảng Uỷ, UBND, cán bộ công chức Văn Hóa các xã thị trấn.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh: Hội nghị Văn hóa tỉnh Hưng Yên năm 2024 được tổ chức nhằm nhìn nhận, đánh giá, bàn sâu về lĩnh vực văn hóa của tỉnh với các mục tiêu: Cụ thể hóa các nội dung cốt lõi, trọng tâm của Hội nghị Văn hóa toàn quốc và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị thế, vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội; chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và các bài học kinh nghiệm. Từ đó, tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng văn hóa, con người Hưng Yên thời kỳ mới. Thông qua hội nghị, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Hưng Yên, nhất là các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí và hành động, chung sức, đồng lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến vì quê hương, đất nước.
Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, là mảnh đất giàu truyền thống văn hiến, cách mạng hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội và hệ thống di tích lịch sử phong phú, đặc sắc, những yếu tố đó góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng của vùng đất, con người Hưng Yên. Từ năm 1997 đến nay, cùng với những thành tựu vượt bậc về phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã quan tâm, chú trọng, triển khai nhiều biện pháp sáng tạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa. Các hoạt động văn hóa, sản phẩm văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng cơ bản nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân. Quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thiết chế văn hoá từng bước được đồng bộ; nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy. Các giá trị mới về văn hóa, con người của thời kỳ công nghiệp hóa, hội nhập được hình thành và được khẳng định; giao lưu, hợp tác về văn hóa của tỉnh từng bước được mở rộng; thể dục - thể thao phát triển rộng khắp, đạt nhiều kết quả tích cực.
Tại hội nghị, đại biểu được nghe trực tiếp tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo sở, ngành của tỉnh về các nội dung: Văn hóa Hưng Yên trong dòng chảy văn hóa dân tộc; thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa, xây dựng con người Hưng Yên trong bối cảnh hiện nay; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; nhận diện bản sắc văn hóa, con người Hưng Yên trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh: Với mục tiêu đưa Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và Nhân dân cần phải xác định phát triển văn hóa, con người Hưng Yên là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, thường xuyên, liên tục, phải được đặt ngang tầm với chính trị, kinh tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới; quan tâm phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống nhất là văn hóa Phố Hiến cổ gắn với phát triển du lịch; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; tăng cường giới thiệu, quảng bá, lan tỏa rộng rãi hình ảnh, giá trị tốt đẹp của văn hóa và con người Hưng Yên ra thế giới; huy động các nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hóa, văn nghệ; chăm lo phát triển, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ văn nghệ cơ sở; tạo môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp văn hóa; tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng con người Hưng Yên phát triển toàn diện, trở thành động lực, nguồn lực để xây dựng quê hương ngày càng hưng thịnh, yên bình…