CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CÔNG KHAI - MINH BẠCH - CHÍNH XÁC - HIỆU QUẢ VĂN MINH - THÂN THIỆN - TRÁCH NHIỆM LÂY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ; SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ THƯỚC ĐO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ PHỤC VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
  22/10/2021     |  Lượt xem 57   

Mỹ cân nhắc việc nới lỏng trừng phạt Triều Tiên

Ngày 11/7, hãng thông tấn Yonhap dẫn một nguồn tin thân cận với Nhà Trắng cho biết: Mỹ đang cân nhắc tới việc tạm ngừng thực thi một số lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên trong vòng từ 12-18 tháng nhằm đổi lấy việc Triều Tiên dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon và đóng băng toàn bộ chương trình hạt nhân của nước này.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) gặp gỡ Tổng thống Mỹ D.Trump tại Khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên, ngày 30/6/2019. (Ảnh: Yonhap)


Cụ thể, theo nguồn tin trên, các biện pháp này của Mỹ cũng đề cập tới việc hỗ trợ ngừng thực hiện các lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhằm hạn chế các hoạt động xuất khẩu than đá và hàng dệt may của Triều Tiên – vốn được xem là nguồn thu chủ đạo của ngân sách nước này.

Việc tạm đóng băng thực hiện các lệnh trừng phạt này – nếu trở thành sự thật, sẽ đánh dấu một “bước thỏa hiệp quan trọng” giữa hai nước kể từ sau sự đổ vỡ của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 hồi tháng 2/2019.

Những thông tin trên được quan chức Nhà Trắng đưa ra trong bối cảnh dư luận đang đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng các vòng đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ sớm được nối lại sau một thời gian ngừng trệ, cho dù tới nay, thời gian và địa điểm cụ thể diễn ra sự kiện này vẫn chưa được công bố.

“Khi các vòng đối thoại cấp sự vụ giữa Mỹ và Triều Tiên được khởi động, Nhà Trắng muốn đưa ra những điều kiện có thể giúp bắt đầu tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” – quan chức trên cho biết, đồng thời lưu ý thêm rằng, việc ngừng thực thi các lệnh trừng phạt có thể tiếp tục được gia hạn nếu như các hoạt động phi hạt nhân hóa đạt tiến triển, song cũng có thể bị rút lại trong trường hợp Triều Tiên tỏ ra không hợp tác. Nếu biện pháp này tỏ ra hiệu quả, thì có thể tiếp tục được áp dụng với các cơ sở khác của Triều Tiên, chứ không chỉ riêng tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Biện pháp này cũng sẽ được áp dụng theo “từng bước một” cho tới khi nào toàn bộ chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên bị hủy bỏ và tất cả các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ.

“Điều này đóng vai trò quan trọng, khi cho phép Mỹ và Triều Tiên có thể thử thách ý định của nhau và xây dựng lòng tin, song lại dựa trên cách thức đòi hỏi các bên tiếp tục tiến trình phi hạt nhân hóa và nới lỏng trừng phạt” – quan chức trên cho biết.

Theo quan chức trên, nếu Triều Tiên đồng ý dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon và hoàn toàn đóng băng chương trình hạt nhân, thì Mỹ cũng sẽ cân nhắc tới việc ký kết Tuyên bố chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẵn sàng thành lập các văn phòng liên lạc tại thủ đô mỗi nước, cũng như thiết lập một kênh liên lạc riêng rẽ hay một văn phòng có nhiệm vụ phối hợp hoạt động khai quật hài cốt của các binh sỹ Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.

“Nhà Trắng đang duy trì lập trường cởi mở trước nhiều ý tưởng để thúc đẩy Triều Tiên thực hiện điều mà họ coi là một bước đi quan trọng đầu tiên về phi hạt nhân hóa…Mục tiêu đầu tiên của Mỹ trong các vòng đàm phán là chứng minh cho Triều Tiên thấy rằng họ có thể tin tưởng vào chúng tôi và Washington muốn đạt được một thành tựu mang ý nghĩa lịch sử nhằm bảo đảm rằng, mối quan hệ thù địch giữa hai bên đã bị đẩy lùi về quá khứ” – quan chức Nhà Trắng nói.

Cho tới nay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã áp đặt 5 lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, kể từ sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 mà Triều Tiên thực hiện vào tháng 9/2016. Những lệnh trừng phạt này vốn cần tới sự ủng hộ từ phía Mỹ để có thể bị đảo ngược, gồm biện pháp cấm vận nhằm bóp nghẹt nền kinh tế của Triều Tiên, từ việc hạn chế các hoạt động nhập khẩu dầu mỏ của nước này cho tới việc cấm Triều Tiên xuất khẩu sắt và than đá.

Trong khi đó, việc đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên cũng chỉ được xem là một bước đi đầu tiên để hướng tới mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên theo cách thức “toàn diện, có thể xác minh và không thể đảo ngược”, theo yêu cầu của các bản nghị quyết của cơ quan quyền lực Liên hợp quốc.

Hiện, chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump đang tìm kiếm cách thức để có thể mang lại tiến triển trong các vòng đàm phán hạt nhân với Triều Tiên – vốn đã bị ngừng trệ kể từ sau khi ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đạt thỏa thuận “cùng hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên” trong cuộc gặp gỡ lịch sử đầu tiên diễn ra ở Singapore, tháng 6/2018./.

Nguồn: dangcongsan.vn

 
Liên kết
Liên kết web
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 104209