CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CÔNG KHAI - MINH BẠCH - CHÍNH XÁC - HIỆU QUẢ VĂN MINH - THÂN THIỆN - TRÁCH NHIỆM LÂY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ; SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ THƯỚC ĐO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ PHỤC VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
  22/10/2021     |  Lượt xem 64   

Nước mắt Tây Nguyên

Bút kí. THÁI SƠN
Cuối xuân đầu hạ, bướm vàng bay rợp trên những con đường quanh co uốn lượn tuyệt đẹp. Ngày nào cũng vậy, cứ tầm chín, mười giờ sáng, đi ra đường là nhìn thấy hàng ngàn, hàng triệu con bướm nhỏ, mong manh, bay như vỡ tổ. Mùa này, cứ như trong thói quen suy nghĩ của nhiều người thì Tây Nguyên đẹp nhất trong năm. Tôi cũng đi trong nỗi hớn hở háo hức ấy. Tây Nguyên, mảnh đất của Đất nước đứng lên, của Trường ca Đam San, của cồng chiêng, của những ca khúc dồn dập và những giọng hát bốc lửa, của voi, của bướm, của ong, của cúc quỳ… Tây Nguyên, trong cảm hứng của tôi, vừa dữ dội bỏng cháy vừa ngọt ngào tha thiết. Tây Nguyên, luôn bí hiểm, quyến rũ đến kì lạ.

Tây Nguyên, những ngày này, tôi có gì?
Chúng tôi đi thẳng tới Đăk Nông. Tỉnh lị là thị xã Gia Nghĩa. Tỉnh lị duy nhất trên cả nước đang còn là thị xã. Gia Nghĩa có những con đường ngoằn ngoèo, đèo dốc, yên tĩnh, thưa thớt. Vắng mặt trời là trở lạnh, ra đường phải mặc thêm áo khoác. Sáng thức dậy ở Gia Nghĩa, nhìn vầng mặt trời đỏ ối, biết là sẽ đối diện với một ngày nắng nôi. Cái nắng Tây Nguyên đầu hè rất dễ thương, vì bước chân vào bóng râm là dễ chịu. Tuy nhiên, màu xanh thì đang từ từ rời bỏ vùng đất này. Chẳng phải tôi đã kì vọng quá nhiều vào một Tây Nguyên hùng vĩ, hoang sơ, mênh mông kì bí đại ngàn, mà trước khi đặt chân đến Đắk Nông thì đã biết rằng, không chỉ Tây Nguyên, không chỉ Đắk Nông… hầu hết những cánh rừng đại ngàn từ Bắc chí Nam trên dải đất này trong suốt nhiều năm qua, nhiều thập kỉ qua đã từ từ biến mất. Rừng đại ngàn biến mất cùng với cảm hứng về rừng cũng từ từ rời bỏ.

Từ thị xã Gia Nghĩa nhỏ bé, gập ghềnh đèo dốc và vô cùng thanh tao yên tĩnh, chúng tôi đi xuyên qua những cánh rừng. Không, đúng hơn là xuyên qua nơi đã từng là những cánh rừng của Tuy Đức - một trong những huyện đang đối diện với nạn phá rừng nhức nhối nhất Đắk Nông. Người ta nói, thiên nhiên quá ưu đãi Đắk Nông khi khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, cây tiêu cây điều trồng xuống là liên tục bội thu. Lượng mưa ở Đắk Nông cũng lớn nhất nhì Tây Nguyên. Và vì lẽ đó mà thứ quý giá nhất, đáng tiền nhất ở Đắk Nông chính là… đất đai. Đất từ đâu mà có? Người ngày một đông lên, đất không sinh sôi, nhu cầu làm kinh tế thì vô cùng vô tận. Thế nên, người ta lấy đất bằng cách… phá rừng. Những cánh rừng thông thẳng tắp nhiều chục năm tuổi, đẹp như tranh vẽ lần lượt bị xóa sổ. Không phải vào vùng sâu vùng xa làm gì, chỉ cần đi dọc tỉnh lộ, huyện lộ, mắt đã thấy, tay đã chạm được những gốc cây khô khốc, mũi ngửi được mùi nhựa thông cháy, và, tai nghe thấy tiếng khóc của cây.

Những cánh rừng thông chạy dài dọc hai bên đường, chỉ có khoảng ba bốn hàng cây sát mép đường được giữ lại (không rõ giữ lại để làm “màu” hay giữ lại để lấy… bóng râm cho chính những người phá rừng). Còn ngay sau đó, chỉ nhảy vài bước là đã gặp những mảnh đất trống không, những cây thông khô khốc, đen thui, những gốc thông đã bị cưa hạ sát mặt đất… Người ta nói, tiêu diệt rừng thông dễ lắm, lại có thể qua mặt cơ quan chức năng. Đấy là khoét một lỗ nhỏ dưới gốc, đổ thuốc diệt cỏ vào, chỉ ít ngày là thông chết hết. Chết khô cong queo. Một mồi lửa là cháy sạch. Một cơn lốc lớn là đổ sạch. Chưa thấy cơ quan chức năng nào có câu trả lời về chi tiết này, trong khi đó, nó là câu chuyện có thể nghe ở bất kì quán nước nào ven đường. Nhưng có một sự thật hiển hiện là những cánh rừng thông đẹp như tranh đang biến mất một cách ngoạn mục, đầy thách thức, ngay giữa ban ngày ban mặt.

Không chỉ thông biến mất, đau lòng hơn là rừng già nguyên sinh, với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cũng lặng lẽ hao mòn. Chúng tôi ngồi trong trụ sở UBND xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức với vị chủ tịch xã còn khá trẻ. Anh Nguyễn Thành Trí được địa phương coi như một “hiệp sĩ” trong cuộc chiến dữ dội, khốc liệt với lâm tặc. Nghe những tiếng ồn từ bên ngoài vọng vào, chúng tôi giật mình: Có phải tiếng cưa máy đó không anh? Có phải lâm tặc… Anh cười to. Tiếng cười khoáng đạt cương trực: Không phải đâu. Tiếng máy xén cỏ đấy. Giờ lâm tặc đâu có dùng cưa máy. Cưa máy kêu to lắm, khác gì lạy ông tôi ở bụi này. Vậy thì lâm tặc dùng gì để hạ những cây cổ thụ? À, dùng cưa tay thôi. Cứ lẳng lặng mà cưa, vòng quanh gốc, mỗi phía một nhát. Không cần cây phải đổ ngay đâu. Cưa nửa chừng thế thôi, gió to một cái là cây khắc lừ lừ đổ xuống. Lúc ấy, chỉ việc xắt khúc ra, cắt miếng ra mà chở về. Chở gỗ ra khỏi rừng dễ thế sao? Nó kềnh càng, nặng nề thế cơ mà. Anh chủ tịch xã thủng thẳng: Không dễ. Nhưng không có nghĩa là không chở được. Nhìn theo hướng anh chỉ, chúng tôi thấy một chiếc công nông hình thù kì quái đang đỗ ở một góc sân ủy ban. Trên thùng xe đựng đầy những súc gỗ đã được cưa xẻ đẹp mắt - tang vật mà các lực lượng chức năng của xã mới thu giữ được trong lần truy đuổi lâm tặc gần nhất. Anh bảo, bọn lâm tặc dùng những cái xe như thế và xe máy để chở gỗ ra khỏi rừng. Những chiếc xe vốn là công nông đầu ngang, được “độ” thành thứ phương tiện trông vừa ngổ ngáo vừa kì quái, với các loại cu roa, xích… nhằng nhịt. Những chiếc xe “độ” như thế có giá trên thị trường chợ đen khoảng 150 triệu (đắt khoảng gấp ba lần so với một chiếc công nông nguyên bản). Xe máy cũng “độ”, trông chỉ trơ khung với lốp, gọi là xe “cảo”, cũng có giá đắt lên vài lần. Anh chủ tịch xã tả, chiếc công nông “độ” này khi chở đầy thùng gỗ, nếu gặp kiểm lâm hay các lực lượng chức năng, sẽ bò xuống khe, nấp kĩ, đợi thời cơ thích hợp lại lừ lừ bò lên dốc như cua. Trộm nghĩ, ông nào nghĩ ra cách “độ” công nông đầu ngang thành một thứ “siêu xe” thế này, nếu dùng vào việc có ích thì phải tặng bằng sáng chế cho ông ấy.

Máu của rừng đang chảy khắp những cánh rừng Đắk Nông. Vấn đề này đã và đang “nóng” trên khắp các diễn đàn từ địa phương, các bộ ngành, đến Trung ương. Hàng loạt giải pháp đã được đặt ra với hi vọng sẽ cứu vãn được tình thế. Nhưng thực tế thì mọi nỗ lực cho đến giờ, so với hiện trạng rừng đang mất đi từng ngày từng giờ, chỉ như … đuổi muỗi. Một xã ở Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung có diện tích gấp vài lần so với một xã, phường ở đồng bằng. Trong khi biên chế cán bộ xã chỉ có vậy, lực lượng chức năng mà chủ chốt là kiểm lâm cũng vô cùng hạn chế. Rừng thì mênh mông, đi vài ngày vừa bằng xe máy vừa bằng chân mới hết một lượt. Chỉ riêng việc đi sau lâm tặc mà đếm số cây đã bị đốn hạ thôi cũng hết hơi rồi.

Đắk Nông có diện tích hơn 6.000 km2, dân số khoảng hơn 500 ngàn. Không rõ con số hơn 500 ngàn người này đã bao gồm một số lượng có lẽ chưa thể thống kê đầy đủ, chính xác, người dân di cư từ phía Bắc xuống chưa. Khi tôi đi tìm lại thông tin từ các địa phương có nhiều người di cư đến Đắk Nông thì thấy thế này: Điện Biên có diện tích hơn 9.000 km2, dân số hơn 500 ngàn; Lai Châu cũng hơn 9.000 km2, dân số hơn 400 ngàn; Lào Cai hơn 6.000 km2, dân số hơn 600 ngàn - không chênh lệch là mấy so với Đắk Nông. Đây là ba trong số những địa phương có nhiều người Mông di cư tự do đến Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Mà cuộc di cư này đã diễn ra từ hàng hai chục, hơn hai chục năm về trước.
IMG 7389
Cư Seo Vọc bật khóc khi nhắc đến giấc mơ dang dở - Ảnh: PV

Di cư là thiên tính của dân tộc Mông và nó đã có từ hàng vài thế kỉ. Tiến sĩ Jean Michaud thuộc Đại học University of Hull, Hoa Kì đã từng có những nghiên cứu rất sâu về tiến trình di cư của người Mông ở khu vực Đông Nam Á. Ông cho rằng: Chúng ta nhìn thấy các nguyên nhân chính trị là một chất xúc tác chính yếu cho sự di cư xuống phương Nam. Các thế kỉ thứ XIX và XX là một thời khoảng xáo trộn tại Trung Hoa và Đông Nam Á. Tuy nhiên, khi ghi nhận rằng, “…nếu một lãnh thổ mới xuất hiện trước mặt, sự di cư của họ (người Mông - PV) được xúc tiến tùy theo các tiềm năng của nó” (Geddes 1976: 29)... thì các nguyên nhân tổng quát cho sự di cư này là đất đai nhiều hứa hẹn và thưa dân sắp sửa được tìm thấy trong sự truy lùng các khu đất hoang mới để làm rẫy.

Chính là như vậy. Đôi khi, và có lẽ về sau này, phần lớn lí do cho các cuộc di cư của người Mông là đi tìm một vùng đất mới, phì nhiêu hơn, màu mỡ hơn, cơ hội canh tác, sinh sống tốt hơn. Và, ở Việt Nam, vài thập kỉ trở lại đây, người Mông Tây Bắc, Đông Bắc đã “tìm thấy” Tây Nguyên.

Chúng tôi mất hai tiếng đồng hồ bò như… cua trên con đường đất mù mịt bụi, chi chít những hố và rãnh sâu hoắm, dài 20 km tính từ trung tâm xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong để vào Suối Phèn. Thôn Suối Phèn (tạm được gọi như vậy) có một trăm phần trăm số hộ là người Mông di cư. Người Mông Suối Phèn đã định cư ở đây tròn 20 năm. Hai mươi năm qua, những trung niên thời ấy giờ đã thành những ông già bà cả, những đứa trẻ kịp lớn lên làm bố làm mẹ của cả đàn con đông đúc, và rất nhiều đứa trẻ nguyên quán Tây Bắc đã được sinh ra ở Tây Nguyên.

Có một lí do đặc biệt khiến chúng tôi quyết định tìm vào Suối Phèn, đó là câu chuyện của tấm Chứng minh nhân dân (CMND), hay giờ cấp mới thì gọi là Căn cước công dân. Cư dân ở Suối Phèn từ khi “nhảy dù” vào giữa một cánh rừng già, đi từ đường ô tô theo kiểu “bước chân đi đến đâu thì thành đường đến đó” mất cả tuần lễ mới vào tới đây, hoàn toàn không cần biết đến tầm quan trọng của tấm CMND cho đến khi… đời sống phát triển tới một “tầm cao mới”. Đấy là khi trẻ con đi học, người lớn lấy vợ lấy chồng, sinh con, có tiền mua xe máy v.v…

Đưa chúng tôi vào Suối Phèn là trưởng công an xã Quảng Hòa, một người đàn ông nhỏ bé, nhanh nhẹn, nhiệt tình, tên Hoàng. Hoàng là người kể toàn bộ câu chuyện xung quanh chiếc CMND ở Suối Phèn, nhưng để chúng tôi được thực mục sở thị, anh dẫn vào tận nơi cho chắc. Vừa đi Hoàng vừa nói, các anh xem có cách nào đó giúp cho họ, cũng là giúp cho xã, cho huyện, tỉnh giải quyết vấn đề này không. Động đâu cũng vướng quy định nọ, văn bản kia, nhùng nhằng bao nhiêu năm chưa giải quyết được.

Vậy thì rốt cuộc câu chuyện ở Suối Phèn là gì?
Người Mông Suối Phèn, chủ yếu là từ Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai di cư sang, bao nhiêu năm qua không có hộ khẩu, cũng tức là không có CMND, mọi thứ liên quan đến văn bản mang tính hợp pháp cứ… lơ lửng như thế. Hệ quả của nó là: Tất cả trẻ em Suối Phèn khi đi học từ cấp tiểu học không hề được hưởng bất kì một chính sách ưu đãi nào theo quy định hiện hành, dù là dân tộc thiểu số, ở xa trung tâm, xa trường học; Trẻ nếu kiên trì theo học hết cấp hai, lên cấp ba thì hết lớp 12 cũng không được… thi tốt nghiệp; Tất cả mọi chiếc xe máy đang chạy vè vè trong thôn đều không phải xe chính chủ. Chủ xe không phải là người đang sở hữu chiếc xe đó mà thường là ông chủ… đại lí xe máy ngoài huyện; Và mọi đàn ông hay phụ nữ biết chạy xe máy, có xe máy đều không có giấy phép lái xe. Người được giao phụ trách cụm dân cư này là Giàng A Dơ. Dơ mang ra cho chúng tôi xem một xấp có lẽ đến hàng trăm chiếc thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mà anh cất trong tủ có khi đến vài tháng rồi. Nhiều người, thực ra là đa số bà con, không buồn lấy thẻ BHYT, không phải vì họ quá khỏe, chả bao giờ phải đến bệnh viện, mà là vì có lấy về cũng không dùng được. Chiếc thẻ BHYT chỉ là một mảnh giấy có in chữ, không hơn không kém; Chưa hết, một thanh niên khác khi được hỏi chuyện, đã chạy quanh xóm và gom cho chúng tôi xem một tập giấy khai sinh. Điều kì lạ hiếm gặp nhất là tất tật số giấy khai sinh này phần họ tên bố đều… bỏ trống. Đồng thời với chi tiết đó, tất cả trẻ em được khai sinh đều mang họ mẹ.

Tại sao lại có những chuyện kì lạ, khó hiểu đến vậy ở Suối Phèn? Chỉ có một câu trả lời chung duy nhất: Không có CMND. Không có CMND thì không được thi tốt nghiệp cấp ba, không được đăng kí xe máy, không được thi lấy bằng lái xe máy, không được đăng kí kết hôn nên khi khai sinh cho con, rõ ràng con có bố mà không được ghi tên bố cũng không được mang họ bố; Không sử dụng được thẻ BHYT vì muốn sử dụng phải có CMND đi kèm…

Vậy câu hỏi tiếp theo là tại sao người Mông ở Suối Phèn lại không có CMND? Đơn giản vô cùng. Đó là bởi khi di cư tự do từ Tây Bắc sang Tây Nguyên, họ đã tự “rơi tõm” vào giữa đại ngàn ngút ngát mù mịt của Đắk Nông từ 20 năm trước. Suối Phèn khi ấy, mù mịt đến nỗi, người Mông đã đốn cây, phá rừng, lập thôn, lập bản đến mấy chục nóc nhà từ năm 1998 mà đến tận 2004 cán bộ xã mới biết. Thì làm sao mà biết ngay được. Cái thôn bản tự phát ấy, nó thình lình mọc lên giữa rừng cao ngút ngàn cách trung tâm xã tới 20 km cơ mà. Người Mông ta đấy, thấy đất đai màu mỡ, rừng nhiều cây xanh, khí hậu ôn hòa, trồng được nuôi được, sống được, thế là ở thôi. Và ở thì ở trên đất lâm nghiệp, không cần xin phép ai hết, chính vì thế mà đến tận 19 năm sau cũng không thể có được quyền sử dụng đất. Cho đến năm 2017 thì UBND tỉnh Đắk Nông quyết định bóc tách 170 ha đất ở khu vực này để cấp cho dân. Tuy nhiên, cho đến giờ, đất ở Suối Phèn, về mặt văn bản vẫn là đất lâm nghiệp, không phải đất ở. Không phải đất ở, không có quyền sử dụng đất, thì làm sao cấp được hộ khẩu, làm sao làm được CMND?

Cán bộ địa phương, từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh, bao nhiêu năm nay vẫn cứ lùng nhùng trong một mối tơ vò, không có cách nào gỡ ra được. Cho đến tận bây giờ vẫn cứ lùng nhùng. Làm gì cũng phải theo luật. Luật càng chặt chẽ càng thuận lợi trong việc quản lí, và đương nhiên cũng sẽ càng khó linh hoạt, uyển chuyển, vận dụng.

Cư Seo Vọc, 23 tuổi, xuất hiện trước mặt chúng tôi trong một bộ dạng khá tươm tất với áo sơ mi và quần âu. Vọc là một trong bốn học sinh của Suối Phèn đã học đến lớp 12 mà phải chua chát quay về Suối Phèn vì không được thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Vọc kể về việc đi học, ước mơ được học đại học, một trường nào đó liên quan tới âm nhạc vì cậu rất thích hát. Cậu thậm chí hát cho chúng tôi nghe một đoạn bằng tiếng Mông. Nhưng giấc mơ cao tận trời xanh ấy của Vọc đã vĩnh viễn dừng lại. Và, nhớ lại giấc mơ ấy, Vọc bật khóc. Tất cả chúng tôi đều lặng đi mất vài phút khi thấy hai dòng nước mắt lăn trên má Vọc. Một cảm giác buồn bã, thương, chia sẻ bất chợt dâng ngập. Trong sâu thẳm, Vọc có trái tim, tâm hồn của một nghệ sĩ. Và trái tim, tâm hồn ấy, trong một khoảnh khắc được đánh thức, đã khiến Vọc không kiềm chế được. Sau khi khóa lại cánh cửa mộng mơ ấy, Vọc quay về Suối Phèn. Và, như mọi thanh niên khác, Vọc lấy vợ, sinh con, tiếp tục một cuộc đời chung thủy tuyệt đối với núi rừng.

Tôi thực sự sẽ không bao giờ quên được hình ảnh những tờ giấy khai sinh mà trên đó không có tên bất kì một người cha nào. Những người phụ nữ ấy, khi bàn với chồng, thậm chí là với bố mẹ chồng, chọn một cái tên đẹp đẽ, giàu ý nghĩa nào đó cho con, sẽ cảm thấy thế nào khi biết trước rằng nó sẽ mang họ mẹ? Và chỉ có thể mang họ mẹ? Giàng Thị Chen, sinh ngày 6/2/2015, họ và tên mẹ: Giàng Thị Lơ; Giàng Thị Si, sinh ngày 23/12/2016, họ và tên mẹ: Giàng Thị Lâu… những tờ giấy khai sinh ấy rồi sẽ đi theo các em nhỏ cho đến tận khi trưởng thành, đến khi làm bố, làm mẹ, làm ông bà…

Tôi tin rằng, sớm muộn gì chính quyền tỉnh, huyện, xã nơi này cũng sẽ tìm ra hướng đi nào đó cho tấm CMND, tờ giấy nhỏ bé gọn trong lòng bàn tay nhưng vô cùng liên quan tới đời sống của 78 hộ với 405 người dân ở Suối Phèn.

Tất nhiên, câu chuyện người Mông di cư đến Suối Phèn, hồn nhiên phá rừng lập xóm lập thôn không phải chỉ là câu chuyện của Quảng Hòa, Đắk Glong, của riêng Đắk Nông, mà là câu chuyện của cả Tây Nguyên. Vì sao người Mông quyết chí rời bỏ quê hương, đi bộ hàng tháng trời với gùi lớn gùi nhỏ sau lưng để vào giữa rừng đại ngàn lập quê hương mới là một câu hỏi lớn, với những câu trả lời lớn, nằm ở một phạm vi khác. Ở bài viết này, tôi chỉ hi vọng rằng, bằng một cách nào đó, những người Mông ở Suối Phèn sẽ sớm được công nhận là “công dân Việt Nam”, như lời của Giàng A Dế, một người đàn ông 32 tuổi. A Dế nói, chúng tôi cũng là người Việt Nam mà, có phải ở nước khác đến đâu. Một tấm CMND thôi, sẽ giải quyết vô số những vấn đề đang hiện diện từng ngày một, tác động từng ngày một tới đời sống của người Mông Suối Phèn, đặc biệt là tác động tới lớp trẻ. Ông bà, cha mẹ di cư tự do, tùy tiện phá rừng, tùy tiện canh tác, sai thì cũng sai rồi. Nhưng những đứa trẻ được sinh ra sau này, trên vùng đất ấy, chúng có tội tình gì đâu?
Tôi cũng sẽ không quên những giọt nước mắt của Vọc. Những giọt nước mắt tủi thân, không biết đổ lỗi cho ai, không biết oán trách ai, và vô cùng buồn bã vì giấc mơ năm nào giờ đã đứt đoạn phía sau.

Đắk Nông, Tây Nguyên, nước mắt từ rừng đang chảy, nước mắt từ người cũng đang chảy.

T.S

Nguồn: vannghequandoi.com.vn
 
Liên kết
Liên kết web
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 104448