Cách
nay vài năm, ở vùng biển Thái Bình, cũng vào mùa nồm, một ngư dân của
làng chài Tân Hải dong buồm ra biển cùng với hai bạn nghề. Họ đi câu cá
sủ.
Tháng
ba. Khi những cơn mưa đầu mùa dậy sấm, cùng với cá gúng, cá sủ cũng vào
tìm nơi sinh sản thì ngư dân nơi đây lại ra biển săn bắt loài cá vừa
ngon vừa nạc thịt, lại có trọng lượng lớn này. Không chỉ cho thịt, cá sủ
còn cho bóng. Bóng cá sủ trắng được chế biến thành món ăn đặc biệt:
thập cẩm nấm hương - một món ăn sang trọng trong các buổi đại tiệc.
Người ta đánh bắt cá sủ bằng phương thức câu tay và lưới giăng.
Cá
sủ ở vùng biển này có hai loại: cá sủ bạc và cá sủ vàng. Người ta phân
biệt chúng ở màu sắc vẩy, còn hình dáng chúng giống nhau.
Cá
sủ trưởng thành, có con nặng tới năm sáu chục cân. Nhưng ngư trường ở
đây thường chỉ xuất hiện cá sủ bạc. Chúng thường đi theo bầy đàn nên cặp
thuyền lưới nào gặp được là trúng đậm.
Duy
cá sủ vàng là ngư dân ít gặp. Vì lẽ chúng hiếm hoi nên ngư dân quan
niệm ai có phúc có phận mới gặp được.Vậy mà chuyến đi câu ấy ba ngư dân
của làng chài Tân Hải đã gặp may: họ đã câu được một con sủ vàng rất to.
Phải
mưu mẹo, vất vả lắm ba ngư dân mới đưa được con cá lớn ấy lên thuyền.
Nhìn con cá trên mình phủ một lớp vẩy như dát vàng dát ngọc họ gõ xoong,
gõ mâm, rúc lên mấy hồi tù và thông báo với bạn nghề rồi dong thuyền
tuốt thẳng về bờ.
Thuyền
vừa cập bến, tiếng đồn về con cá sủ vàng đã loang ra khắp làng chài.
Một chủ vựa chuyên thu mua hải sản phóng xe tìm xuống tận thuyền. Người
ta kháo nhau rằng: “Con sủ vàng được ngã giá tám trăm triệu đồng. Sau
khi được đông lạnh bảo ôn, thông tin được gửi lên Hà Nội. Khách ăn hàng
ôm theo cả ca táp tiền mặt xuống. Và con cá sủ vàng được sang tay với số
tiền lên đến một tỉ mốt”. Và rồi cái giá cuối cùng là bao nhiêu thì
không được nghe tiếp nữa.
Thịt cá sủ vàng không có gì đặc biệt hơn cá sủ bạc. Người ta mua nó mổ ra cốt chỉ lấy hai cái bóng.
Bong
bóng cá sủ vàng cũng có hình thể hai khuôn như “củ” lạc dính vào nhau.
Cá sủ là loài ăn khi chìm, khi nổi hai chiếc bóng hơi này tự điều tiết
khi chúng muốn đi chìm hay bơi nổi. Nó giá trị ở chỗ từ bong bóng của cá
sủ vàng, người ta chế ra sợi chỉ đặc biệt. Nó được dùng khâu vết mổ
trong nội tạng người bệnh. Khi vết mổ liền, nó “biết” tự hủy không để
lại dấu vết...
Lan
man đôi chút vậy để mở rộng giới thiệu về nghề câu, chứ câu chuyện mà
tôi muốn nói chính là chuyện đi câu trên vịnh Bái Tử Long. Vịnh biển đã
hoàn mĩ về cảnh sắc lại kín sóng nặng gió nên được ví như những cái ao
trời. Vào mỗi độ giêng hai hàng năm, các loài hải sản thường tụ hội về
đây sinh sản. Mức độ dày đặc của chúng nhiều như được nuôi, nhốt trong
ao.
Vào
những năm tám mươi của thế kỉ trước, tôi mới chuyển đến đây sinh sống
và may mắn còn được chúng kiến nghề câu cá mực. Giêng mù nồm trời se se
lạnh, hơi nước hơi sương giăng tràn mặt vịnh. Bái Tử Long đặc quánh
sương mù là thời điểm những con thuyền nan câu mực bắt đầu hoạt động.
Con thuyền mủng lướt nhẹ trong sương. Trước mũi thuyền, hai chiếc cần
câu chĩa về hai phía như hai cây ăng ten của chiếc đài bán dẫn. Dây câu
không cần có lưỡi mắc mồi mà con mồi được buộc ngang thân. Mồi câu là
con bề bề hoặc con tôm he sống.
Phong cảnh Bái Tử Long - Ảnh: ST
Người
đi câu ngồi phía sau nhàn tản đưa tay vin hờ lên hai mái chèo khua nhẹ
vào làn nước trong văn vắt như pha. Thấy con mồi, mực lao vào dùng xúc
tu tóm lấy đưa vào miệng. Người câu rung cần nhè nhẹ từ từ kéo dây câu
về. Động tác này kích thích cho con mực càng bám chặt mồi hơn. Khi mực
thực sự say mồi mới là lúc giương vợt ra xúc.
Mực
là loài nhuyễn thể. Cơ thể chúng còn nục nạc một khối thịt, chỉ có một
chiếc mai vừa xốp vừa nhẹ nằm trong thân làm khung nhưng tạo hóa đã cho
chúng bản năng rất mạnh mẽ để sinh tồn. Thấy con mực mái đang bám chắc
lấy con mồi đang bị đường câu kéo lại gần thuyền, con mực trống vẫn “bất
chấp” lao theo. Con ham ăn, con ham mái và cả hai đều chui vào vợt, bị
xúc lên thuyền.
Nghề
câu mực luôn bắt được những con đã trưởng thành. Những con mực mo mái
nặng tới hai, ba ki lô gam. Mỗi buổi câu chỉ cần câu được dăm con như
vậy là đã có mớ mực mươi cân mang về chợ.
Còn
khi heo may về, thấy những đàn chim xanh, chim ngói như những mũi tên
từ hướng bắc lao sang vun vút ngang qua mặt vịnh. Lúc này lại vào mùa
câu cá cuộng.
Cá
cuộng cùng hàng cùng họ với cá kìm, cá kiếm. Vây lưng vây bụng chúng
trong xanh màu ngọc bích. Nhìn lớp da mịn màng tưởng chúng không có vảy.
Nhưng không phải vậy. Lớp vẩy rất mỏng và mịn màng ép sát với làn da
vừa bảo vệ được thân thể mà không hề cản nước để chúng lao nhanh như tên
bắn. Chúng có những chiếc mõm lởm chởm như răng cưa, vừa dài ngoãng như
những chiếc kìm gắp sắt trong lò nung của thợ rèn lại nhọn hoắt như
những mũi lao. Không phải mùa sinh sản, cá cuộng đi theo đàn, ăn nổi,
vào kiếm ăn quanh các bãi dàn, nơi thường có ngọn nước nhè nhẹ chảy qua.
Người đi câu cắm hai cây sào rồi giăng ngang một đường câu nửa chìm nửa
nổi. Cứ khoảng cách bảy tám mươi phân lại thắt một dây câu. Lưỡi câu
được tóm mồi là tôm rảo hoặc giò lụa xắt nhỏ. Loài cá này phàm ăn. Gặp
tía lớn, một nhát câu vớ được cả vài chục ki lô gam. Thịt cá cuộng thơm,
dai mà lại không có xương dăm. Chúng được xem là loài cá ngon của biển.
Nhưng vào mùa sinh sản, để bảo vệ đàn con, cá cuộng bỗng trở thành hung
dữ. Tháng ba tháng tư chúng tìm vào quanh gậc đảo đẻ trứng “ấp” con.
Trong khi chờ trứng nở hay đang chăm sóc lũ cá con còn bấy bớt, cá cuộng
thường “tịnh” thân nằm lập lờ trên mặt nước như những thân cây chuối bị
buông xuống biển. Ấy vậy nhưng hễ động tới chúng thì hãy coi chừng. Lứa
này người ta không dùng cách giăng câu để bắt mà phải đi soi. Đêm. Ngọn
đèn măng xông thắp hết công suất. Hai người cùng phải thạo nghề ngồi
trên thuyền mủng. Người ngồi phía sau cầm lái. Người nhăm nhăm cầm ba
chia ngồi trước mũi thuyền. Động tác phải kết hợp cho thật nhịp nhàng,
nếu phát hiện thấy chúng phải quan sát thật chính xác, nhận biết nó đang
quay về hướng nào để mà xử lí khi phóng ba chia, nếu nhỡ tay đâm trượt
còn có đường mà thoát thân.
Bến
Do đã từng xảy ra một vụ “tai nạn” khi đi soi bị cá cuộng “phản công”.
Người ngư dân này đi soi đêm phát hiện ra con cá cuộng đang nằm “ấp”
trứng. Chưa phát hiện chính xác con cá đang quay đầu về đâu, ông ta đã
hấp tấp đâm lao. Nhát đâm bị trượt, con cá dùng hết sức bình sinh lao
thẳng lên thuyền. Người ngư dân đã hứng trọn cú đâm của con cá cuộng.
Nói
đến chuyện cá và nghề câu trên vịnh Bái Tử Long thì bao la là chuyện.
Chỉ kể thêm nghề câu cá đuối, một nghề đã gắn với câu chuyện về một “vụ
án mạng” cũng đáng để kể ra.
Cá
đuối không câu bằng mồi mà người đi câu dùng một đường câu giăng ngang
mặt nước như bắt cá kìm, cá cuộng. Nhưng lại khác biệt ở chỗ không phải
mắc mồi. Người câu thửa lưỡi câu bằng thép tốt, rút ra từ một loại dây
cáp cứng. Uốn xong, tôi cho đanh lại rồi đem dũa thật bén mới buộc vào
đường câu. Đường câu cá đuối thả hờ hững trong vùng nước xiết để chờ
chúng đến săn mồi.
Những
con cá đuối có con đo được đường kính cả mét, nặng tới nửa tạ. Chúng cứ
rập rờn như những cánh diều mải chao lượn săn bắt cá con rồi vướng phải
lưỡi câu. Từ một lưỡi rồi nhiều lưỡi. Càng giãy càng bị đường câu xoắn
chặt. Thịt cá đuối không có xương dăm, chỉ có sụn. Quan niệm bấy nay của
người miền biển thì thịt cá đuối độc, nên người ốm, yếu và trẻ nhỏ
không được ăn. Nhưng nay đã khác. Cá đuối được các nhà hàng nổi tiếng
trên vịnh Bái Tử Long chế thành những món nướng, món om lá lốt, hoặc nấu
ám chuối xanh, dứa già, được thực khách rất ưa chuộng. Nó thành món ăn
đặc sản bởi thịt trắng, dai, mùi vị đậm đà không ngấy mỡ.
Chuyện
về người đi câu cá đuối trên vịnh Bái Tử Long rồi bị liên đới đến một
vụ án mạng đã xảy ra từ thời Pháp thuộc. Chuyện thế này:
Tại
khu vực đảo Hòn Nét trên vịnh Bái Tử Long. Nay là cảng biển nổi để các
con tàu có trọng tải lớn vào dỡ bớt hoặc rót thêm tải. Thủa ấy có ông
lão ngư dân người Cửa Ông - Cẩm Phả thường ra giăng câu cá đuối. Sáng
ấy, như thường lệ, lão ngư phủ bơi thuyền ra thu đường câu gỡ cá thì
bỗng gặp sự khác thường. Một con cá mập đã bén phải đường câu.
Con
cá mập mắc vào đường câu là một sự lạ. Loài cá này hung dữ và rất khỏe.
Muốn câu được nó phải có cách thức đặc biệt. Nó bị dính câu của ông lão
là điều hạn hữu. Sau phút bất ngờ, lão ngư phủ đoán rằng. Khi kiếm ăn,
con cá mập bơi ngang qua, vô tình thấy nhiều cá đuối dính câu, nó xông
vào ăn chặn mà mắc phải đường câu. Lão ngư phủ liền dùng ba chia đâm
chết con cá mập rồi kéo nó lên thuyền.
Đang
khấp khởi mừng một buổi câu trúng đậm, sẽ thu được món tiền khá lớn từ
bán vây bán thịt con cá thì lão ngư phủ kéo tiếp thì gặp... một xác
người. Sợ quá, lão buông vội đường câu xuống biển.
Sau
phút bần thần do dự, lão ngư kéo cái xác lại gần cho nổi lập lờ trên
mặt nước. Thấy bộ quần áo lính và diện mạo kẻ xấu số, lão ngư phủ đoán
biết kẻ gặp nạn là lính lê dương.
Vì
công việc làm ăn muốn được yên toàn, lão ngư luôn phải ra vào Hòn Nét,
nơi có đồn canh phòng cửa biển của người Tây để trình báo giấy tờ. Tên
lính này cũng thường xuống thuyền lão xin cá. Nhưng hôm nay số hắn tận
khi bơi thuyền phao ra ăn trộm cá. Trong khi lúng búng với đường câu đã
bị con cá mập cuốn theo mà thành thiệt mạng.
Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận. Nó sống thế nào, lão ngư không thèm chấp nên đã làm phúc đưa hắn vào đảo Nét.
Nào
ngờ, công chẳng được thưởng mà lão ngư phủ còn bị tòa án của nhà nước
đô hộ quy tội làm chết một quân nhân của nước đại Pháp...
Trên
đây là nói về chuyện đi câu để mưu sinh kiếm sống của những người ngư
dân sống trên bờ vịnh Bái Tử Long. Còn nói đến chuyện đi câu để làm thú
vui tao nhã thì xin kể đến những chuyện đi câu của cha con ông Nguyễn
Long Giang.
Ông
Long Giang nhà ở ngay sát bến Do. Ông làm công nhân vận hành máy của
công ti than Đèo Nai. Con trai ông là anh Nguyễn Minh Hà cũng rất thích
câu cá cùng cha.
Ông
Long Giang giải thích với tôi rằng, theo thuyết Thiên - Địa - Nhân của
người xưa để lại thì người đi câu với con thuyền mủng bập bềnh trên mặt
vịnh, tay cầm dây câu thì có khác gì đang “nối” trời với đất!
Vào
độ cuối tháng tư, sóng Nam đã hơi lộng, cha con ông vẫn dong con thuyền
nan lắp máy Cole 4 dông tuốt ra tận hòn Mai, hòn Mác. Đấy là những hòn
đảo đơn lẻ nằm tận tuyến tiền tiêu che chắn sóng lừng đại dương cho Bái
Tử Long.
Năm
sáu tiếng đồng hồ thuyền mới ra đến hòn Mai. Vừa tắt máy lùa thuyền vào
chân gậc đảo tìm vị trí buông neo thì bố con ông gặp đúng cơ nước dừng
lại đảo chiều. Thời khắc này biển lặng. Nước không rặc thêm được nữa và
đợi thủy triều lên. Đây cũng là thời điểm cá thường cắn câu. Đã nắm rất
rõ quy luật kiếm ăn của các loài cá, cha con ông vội vã thả câu.
Những
con tôm he đỏ lòng to cỡ ngón chân cái còn sống và khỏe khoắn được đặt
mua với giá cả đặc biệt đem về rộng sẵn trong văng thuyền, giờ bắt lên
mắc vào lưỡi câu làm mồi nhử cá. Đã ra đến tận đây là để nhằm câu được
những con cá to và ngon như cá khế, cá song...nên con mồi và đường câu
cũng không thể tẹp nhẹp như đi câu trong vịnh để bắt những con cá dìa,
cá hói.
Việc
mắc con mồi vào đường câu để bắt được những con cá ở đại dương là những
bí quyết nghề nghiệp. Mắc lưỡi câu vào con tôm mồi làm sao để khi thả
xuống nước, con tôm vẫn sống bơi lượn bình thường. Có vậy mới đánh lừa
được những con cá song, cá ngừ sống lâu năm nặng cả chục ki lô.
Khi
thả đường câu xuống biển với người sành nghề là phải biết cảm nhận để
thả cho đủ độ dài. Sao cho lưỡi câu mắc con mồi chỉ vừa chạm hờ tới đáy
biển. Không dài hơn và cũng không được ngắn hơn để những loài cá ăn ngầm
nơi đáy vịnh dễ phát hiện ra và người cầm câu thấy ngay từ khi con cá
vờn đến con mồi.
Anh
Hà đang cầm dây câu trong tay bỗng thấy dây câu rung động rồi đường câu
bị kéo căng ra đột ngột. Từ cuối đường câu dội những rung động rất
mạnh. Anh biết là một con cá lớn đã mắc câu vội hô lên: Bố, bố ơi! Ông
Long Giang đang ngồi chăm chú như tọa thiền liền vội vã tịnh đường câu
của mình vào cọc chèo rồi quay qua phụ với con trai kéo con cá lên
thuyền.
Bị
mắc lưỡi câu vào miệng, con cá song cố sức giãy hòng thoát ra. Nếu là
loài cá khác từ khơi xa vào chân đảo kiếm ăn, bị nạn nó sẽ lao ra khỏi
gậc đảo và kéo theo đường câu ra khơi. Lúc ấy người đi câu phải lùa
thuyền theo cá, xông thêm dây câu. Một hồi sau con cá ấy kiệt sức, nó
dừng lại nghỉ, lúc ấy mới thu dây câu xúc cá lên thuyền được.
Đây,
với kinh nghiệm nhiều năm, cha con anh Hà biết đây là con cá song. Loài
cá này chuyên sống quanh gậc đảo, khi mắc câu nó không lao ra khỏi gậc
mà tìm cách chui vào hốc đá. Nếu để nó chui được vào gậc đảo với những
hang những hốc coi như chào thua, mất ăn luôn. Anh Hà ghì chặt dây câu
vào khươn thuyền (cọc chèo) không cho con cá kéo theo đường câu chui vào
kẽ đá. Rồi nhằm trúng thời cơ mới lần dây câu kéo con cá nổi dần lên
mặt nước. Con cá song mình lấm chấm hoa văn như được khoác tấm áo gấm đã
nổi lên. Lúc này mọi thao tác của người đi câu càng phải cẩn trọng hơn.
Nó quyết định sự được, thua. Nó là khoái cảm để người câu say nghề. Ông
Long Giang giương chiếc vợt ra. Chiếc vợt miệng to như miệng cái thúng
nhất, cán thửa bằng đoạn ống tuýp, chặn trước đầu con cá. Lùa cho nó
chui lọt vào vợt. Anh Hà phụ cha đưa con cá lên thuyền. Đến khi con cá
giãy lên đành đạch trong khoang thuyền, hai cha con nhìn nhau thở phào
khoái trá.
Anh
Hà mở túi đồ nghề lấy chiếc cân điện tử kéo lên cân thử. Con cá nặng
tới mười hai cân rưỡi, dài hơn một mét. Cha con họ đã thường câu được
những con cá song lớn nhưng con nào to nhất cũng chưa vượt quá bốn cân
rưỡi. Con cá này trọng lượng và kích cỡ đã đạt mức “quán quân” trong
những con cá câu được của cha con ông Long Giang.
Vớ
được con cá ngon đứng hàng đầu bảng sản vật của Bái Tử Long, hai cha
con anh Hà thật hỉ hả. Vậy là chẳng cần câu tiếp nữa - “phúc bất trùng
lai”. Dễ gì mà vận may đến lần nữa, cha con họ nhổ neo dông thuyền quay
về bờ ngay trong đêm. Ngày hôm sau điện cho bạn bè đến mở tiệc ăn khao
mừng thắng lợi.
Nguồn:http://vannghequandoi.vn/van-xuoi/tan-man-chuyen-ca-di-cau-tren-vinh-bai-tu-long_8772.html