CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CÔNG KHAI - MINH BẠCH - CHÍNH XÁC - HIỆU QUẢ VĂN MINH - THÂN THIỆN - TRÁCH NHIỆM LÂY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ; SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ THƯỚC ĐO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ PHỤC VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
  22/10/2021     |  Lượt xem 72   

Tây Nguyên chưa xa lòng đã nhớ

Ghi chép. NGUYỄN VIỆT HÙNG/ Tây Nguyên vào xuân như cô thôn nữ tuổi trăng rằm căng đầy nhựa sống. Đêm vừa mưa to nên sáng ra trời se lạnh. Trên những ngọn bằng lăng, sao đen cao vút, những chú bồ chao, cu gáy, chào mào… đua nhau cất lên những âm thanh đặc trưng của núi rừng.
Mai vàng đôi chỗ đã bắt đầu bung cánh, lộc cây he hé chờ xuân... Sắp rồi, xuân Tây Nguyên... Ý nghĩ ấy khiến trong tôi thốt rưng rưng cảm giác mà nhạc sĩ Hoàng Vân năm nào đã viết: Trời Tây Nguyên xanh. Hồ trong nước xanh, Trường Sơn xa xanh, ngút ngàn cây xanh....

Chuyến đi này của tôi, xuất phát từ lời rủ rê của một người rất gắn bó với Tây Nguyên, Đại tá Ngô Minh Điền, Chính ủy Đoàn KTQP (Kinh tế quốc phòng) 737, Quân khu 5 - Đơn vị đóng quân tại hai xã biên giới Ia R’vê và Ia Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk). “Cậu thu xếp lên Tây Nguyên với anh em tớ một chuyến đi. Tiết trời năm nay hay lắm, khắp dải biên cương chỉ một màu xanh biếc…”

Những người lính “chân cứng đá mềm” xây dựng biên cương
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới khang trang, đầy đủ tiện nghi, vợ chồng ông Nguyễn Văn Huệ và bà Nguyễn Thị Y (thôn 7, xã Ia R’vê) không giấu được niềm vui trong ánh mắt khi chia sẻ về những người lính Đoàn 737. Năm 2002, từ Bến Tre dắt díu các con lên Tây Nguyên lập nghiệp, như bao hộ từ mọi miền quê khác nhau lên đây xây dựng vùng kinh tế mới. Với hai bàn tay trắng, những năm đầu là muôn vàn khó khăn, thử thách. Dù rất chịu thương, chịu khó nhưng qua hàng chục vụ sắn, dưa hấu, mía, điều… mà cuộc sống gia đình vẫn chỉ tạm đủ ăn. Được những người lính Đoàn 737 đến tận nhà động viên, tư vấn, tập huấn kĩ thuật, năm 2013 vợ chồng ông Huệ quyết định phá bỏ một ha vườn điều già cỗi, năng suất thấp, mạnh dạn vay vốn ngân hàng để trồng hơn một ngàn cây mít Thái cao sản. Sau gần ba năm, vụ thu hoạch đầu tiên, gia đình ông thu về gần 150 triệu đồng. Trừ hết mọi chi phí, ông “lãi ròng” hơn 80 triệu đồng. Dự kiến năm 2017 sản lượng sẽ đạt gấp đôi.

Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, những người lính Đoàn 737 còn giúp đỡ vật chất cho bà con trong điều kiện có thể. Giữa năm 2016, sau khi dồn dịch biên chế, thừa ra một số ti vi, đơn vị đã sửa chữa, tặng cho các hộ dân. “Cũ người - mới ta”, món quà thiết thực được bà con phấn khởi đón nhận. Trung úy Đào Đình Hạ, Trợ lí cán bộ, chính sách (Phòng Chính trị, Đoàn KTQP 737) hóm hỉnh kể, dù đã được hướng dẫn cách sử dụng ti vi nhưng thời gian đầu, có đêm, anh em, cán bộ ở các đội sản xuất vừa mắc màn đi ngủ thì có tiếng gọi cửa đòi trả ti vi. Xuống kiểm tra mới biết, do bà con không biết sử dụng, bấm phải các nút chức năng trên điều khiển từ xa khiến ti vi tắt tiếng, tắt màn hình, loay xoay không sao bật được nên nghĩ bộ đội cho ti vi hỏng. Có trường hợp, ông bố bấm điều khiển không lên, lại “cầu cứu” bộ đội. Hóa ra, cả hai cục pin đã bị cậu con trai nhỏ tháo tung nghịch vứt dưới gầm bàn. Là một trong những hộ dân đầu tiên được tặng ti vi, ông Võ Thanh Phong (thôn 12, xã Ia R’vê) chia sẻ: Cả ngày ngoài đồng ngoài ruộng, tối về mở ti vi xem thời sự thấy mình mở mang được rất nhiều điều bổ ích. Có ti vi, các con ông không phải đi xem nhờ hàng xóm như trước, học hành cũng tiến bộ hơn.

Gần trưa một ngày cuối tháng 9 năm 2017, căn nhà của chị Bùi Thị Kim Hiền (thôn 11, xã Ia R’vê) bất ngờ bốc cháy dữ dội do chập điện. Ngọn lửa thiêu rụi hết đồ đạc trong nhà, thiệt hại ước tính hàng chục triệu đồng. Năm 2012, vừa chân ướt chân ráo từ huyện Châu Thành (Bến Tre) lên Đắk Lắk sinh sống thì chồng chị bị tai nạn giao thông qua đời. Chị đứt ruột gửi đứa con lớn về quê nhờ họ hàng chăm sóc, chỉ để người con trai út ở với mình. Mấy năm, nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đầu tư trồng ổi, rau và nuôi thỏ, cuộc sống đang dần ổn định, vậy mà… Trước tình cảnh đó, những người lính Đoàn 737 quyết định tháo dỡ căn nhà gỗ (trước đây là nhà ở của Đội sản xuất nông lâm 6), lấy vật liệu dựng lại nhà cho chị. Gần sáu mươi cán bộ, đội viên lao động tích cực, khẩn trương, chỉ bốn ngày sau, một ngôi nhà mới bằng gỗ rộng rãi, thoáng mát, nền đổ xi măng chắc chắn đã mọc lên. Ngày bàn giao nhà, ngoài việc vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ chị Hiền được hàng chục triệu đồng và nhiều tài sản có giá trị, đơn vị còn tặng thêm một chiếc ti vi cũ 21 inch. Đây là lần thứ hai chị được bộ đội tặng ti vi. Trò chuyện với tôi, chị Hiền rơm rớm: “Xa quê lên Tây Nguyên, bộ đội Đoàn 737 với mẹ con tôi chẳng khác nào ruột thịt. Các anh chính là điểm tựa của mẹ con tôi. Chồng có nơi hương khói, con có chỗ học hành là tôi mãn nguyện lắm rồi”.

Đất lành chim đậu, những năm qua, Đoàn 737 cũng là địa chỉ đỏ được các bạn TTTTN (trí thức trẻ tình nguyện) gửi gắm tin yêu, khát khao cống hiến. Sau hơn một năm gắn bó với dải đất biên giới, mười bảy thành viên đã từng bước khẳng định mình, được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đánh giá cao. Đại úy Nguyễn Thế Thái - Đoàn trưởng cho biết: “Các TTTTN đều có trình độ từ trung cấp đến đại học các ngành xây dựng cầu đường, luật, kế toán, nông lâm, trắc địa, quản lí tài nguyên rừng, y sĩ, điều dưỡng… nên đáp ứng rất tốt nhu cầu thực tế của đơn vị hiện nay”.

Đầu tuần trước, bà Hà Thị Tiến (Thôn 14, xã Ia Rvê) đạp xe lên Đội sản xuất nông lâm 8. Gặp Đại úy QNCN Trương Văn Nam - Phó đội trưởng và các đội viên đang tập thể dục trước sân, bà mừng rỡ: “Tôi vừa thu mấy sào dưa vụ lỡ. Có ít quả ngon mang biếu các chú. Nhờ anh em trong Đội hướng dẫn kĩ thuật, dưa vụ này ít sâu bệnh, trái to và ngon hơn, thương lái đến tận ruộng tranh nhau mua”. Cũng như bà Tiến, năm nay hàng trăm hộ dân ở các thôn 7, 12, 13, 14 cũng trúng đậm dưa vụ lỡ. Kết quả ấy, ngoài thiên thời, địa lợi và sự cố gắng, nỗ lực của từng hộ gia đình, còn có vai trò rất lớn của cán bộ, đội viên Đội sản xuất nông lâm 8, đặc biệt là TTTTN Y Ly By Niê Siêng. Thời sinh viên, Y Ly By là một trong những người đầu tiên của trường Đại học Tây Nguyên được chọn tham gia chương trình vừa làm vừa học tại Israel nên rất giỏi về kĩ thuật nông lâm. Tốt nghiệp ra trường, trong khi nhiều bạn bè chọn công ti nọ, viện nghiên cứu kia để làm việc thì Y Ly By lại tình nguyện lên biên giới với bà con. Kiến thức, kinh nghiệm những năm du học và sự sâu sát trong công việc như nhịp cầu nối gắn kết anh với những người nông dân nghèo khó. Mạnh dạn ứng dụng kĩ thuật tưới nhỏ giọt mà anh hướng dẫn, nhiều gia đình trồng dưa hấu đã tiết kiệm được phân nửa chi phí điện, nước, phân bón và nhân công trong khi năng suất, chất lượng sản phẩm luôn đảm bảo. Bộn rộn là vậy nhưng dịp hè vừa qua, Y Ly By vẫn dành thời gian mở lớp dạy kèm tiếng Anh cho hơn hai mươi cháu nhỏ trong vùng, được Huyện đoàn Ea Súp tặng giấy khen.

Những năm trước, để chăm sóc, quản lí hơn ba ngàn héc ta đất trồng cao su, keo, chuối, quýt và các loại cây ngắn ngày khác luôn là thách thức không nhỏ đối với cán bộ, đội viên Đội sản xuất nông lâm 5. Sáng kiến giao địa bàn quản lí cho từng đội viên đồng thời cử cán bộ xuống từng thôn phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân của TTTTN Nguyễn Viết Hiệp giúp đơn vị khắc phục triệt để việc người dân tự ý lấn chiếm đất đai của Đội.

Không chỉ hoàn thành tốt vai trò một kĩ sư nông lâm, trên cương vị Đội trưởng Đội TTTTN, anh Võ Văn Lý (Đội sản xuất nông lâm 7) luôn gương mẫu đi đầu trong từng lời nói là việc làm cụ thể. Anh duy trì Đội thực hiện hiệu quả chế độ giao ban, hội ý trong tuần, mỗi tháng phối hợp với Đoàn thanh niên địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, giúp nhân dân nạo vét kênh mương, làm đường giao thông… Gắn bó với mảnh đất biên cương đầy nắng và gió bụi, xuân này, toàn bộ quân số của Đội sẽ tỏa xuống từng thôn, xóm tổ chức các hoạt động vui chơi, đón tết cùng với người dân.

Từ trung tâm xã Ia Rvê hay Ia Lốp ra đến Bệnh viện Đa khoa huyện chỉ hơn 50km, nhưng do đường xá đi lại khó khăn, nếu chạy nhanh cũng mất ba giờ. Thế nên những năm qua, bệnh xá của Đoàn được đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân của cả Việt Nam và Campuchia khu vực giáp biên tìm đến mỗi khi đau ốm. Đại úy, bác sĩ Phùng Bá Cường, Chủ nhiệm Quân y kiêm Bệnh xá trưởng cho biết: “Đơn vị đứng chân trên địa bàn hai xã, do đó Bệnh xá cũng chia thành khu A và khu B để bảo đảm nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Ở các khu đều có biên chế bác sĩ, y sĩ, dược sĩ riêng. Ở đây, các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, rắn, côn trùng cắn, bỏng, dị ứng hay tự tử bằng thuốc diệt cỏ rất phổ biến”.
anh phúc dạy các nem nhỏ đi xe đạp
Anh Phúc dạy các em nhỏ đi xe đạp - Ảnh: PV


Bệnh xá thu hút bệnh nhân còn bởi các y bác sĩ giỏi tay nghề và rất nhiệt tình, tận tâm cứu chữa người bệnh. Đêm giao thừa năm 2017, có ba thanh niên bị tai nạn giao thông được người dân chuyển đến cấp cứu, cả ba người đều bị gãy xương và chấn thương đầu nên sau khi vệ sinh, băng bó sơ cứu, bệnh xá nhanh chóng chuyển các bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa huyện. Xe cứu thương về lại đơn vị lúc gà vừa gáy sáng, bữa cơm đêm giao thừa chưa kịp ăn được các y bác sĩ hâm nóng lại mừng xuân mới. Đứng chân nơi biên giới, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao nên chuyện y, bác sĩ bệnh xá tự bỏ tiền túi chi trả xăng xe, chi phí điều trị cho người dân chẳng phải là hiếm. Mới đây nhất, bà Phạm Thị Bé (75 tuổi, thôn 10, xã Ia R’vê) bị tê cứng chân tay, được hàng xóm chở đến bệnh xá. Qua thăm khám, Thượng úy Y sĩ Nguyễn Thanh Chuẩn phát hiện bà bị tăng huyết áp kịch phát, lên tới 220/120. Được các thầy thuốc tận tình chăm sóc, sau hai ngày điều trị, sức khỏe bà Bé dần ổn định, song thấy bà tuổi cao sức yếu, họ hàng từ Bến Tre chưa lên kịp, các thầy thuốc động viên bà ở lại để được chăm sóc tốt hơn. Hằng ngày ngoài việc thăm khám, cấp thuốc, Bệnh xá còn lo cơm nước miễn phí cho bà. Rồi anh Võ Thái Nguyên (28 tuổi, ở Khánh Hòa) khi lái xe chở keo vào thôn 1 (xã Ia R’vê) không may bị điện giật bất tỉnh. Tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, sau phút hội ý chớp nhoáng, các y bác sĩ bệnh xá cho anh thở ôxy, tiêm thuốc chống sốc, trợ tim, bù nước điện giải, chuyển lên tuyến trên kịp thời. Ngày xuất viện, anh Nguyên cùng vợ từ thành phố Buôn Ma Thuột vượt gần hai trăm cây số vào thăm và cảm ơn các thầy thuốc mang áo lính. Hay như ông Nguyễn Văn Tốt (67 tuổi, thôn 9, xã Ia R’vê) một lần buồn chuyện gia đình nên nghĩ quẩn, cầm chai thuốc diệt cỏ mía uống cạn, may nhờ các y, bác sĩ kịp thời cứu chữa mà ông được cứu sống. Mỗi lần nhớ lại chuyện cũ, ông Tốt đều cảm kích: “Các bác sĩ rất tận tình, chu đáo. Tôi nằm viện gần một tuần, lần nào xuống thăm khám, các cô chú cũng ân cần, đến bữa còn bưng cơm đến tận phòng cho ăn. Các y bác sĩ còn khuyên giải tôi biết trân trọng cuộc sống”.

Mỗi năm, Bệnh xá Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 còn tiếp nhận và điều trị hàng chục bệnh nhân là cán bộ, chiến sĩ biên phòng và người dân nước bạn Campuchia sang điều trị. Đợt tháng sáu vừa qua, anh Buôn Thái (35 tuổi, Đồn phó Đồn biên phòng Ô Rô, Campuchia) bị viêm phổi trong khi bệnh viện cách xa hàng trăm cây số đường rừng, bí quá, anh nhờ bộ đội Việt Nam giúp đỡ. Năm ngày điều trị tại Bệnh xá Đoàn KTQP 737, chứng kiến sự tận tình chu đáo của các thầy thuốc, anh rất xúc động. Hai tháng sau, khi anh Chăm Sau Nai (chiến sĩ đồn Ô Rô) bị tụt huyết áp sau khi ốm dài ngày, Đồn phó Buôn Thái liền giới thiệu Chăm Sau Nai sang bệnh xá vì rất tin tưởng tay nghề bộ đội Việt Nam.

Bận rộn là vậy nhưng đều đặn hàng tháng, bệnh xá đều biên soạn tài liệu tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, thu âm, phát trên hệ thống truyền thanh nội bộ của xã. Khi dịch sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng trên địa bàn, các anh đến từng nhà phun thuốc, tẩm màn, hướng dẫn người dân diệt lăng quăng, bọ gậy. Đại tá Ngô Minh Điền tâm sự: “Bệnh xá như chiếc cầu nối, góp phần cùng đơn vị xây dựng, củng cố mối quan hệ quân dân, mối quan hệ tốt đẹp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân nước bạn. Vừa qua, bệnh xá được cấp trên quan tâm, đầu tư trang bị thêm một số máy X quang, xét nghiệm hiện đại, đây thực sự là tin vui với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn”.

Bữa cơm chiều đãi khách của những người lính vùng biên, ngoài vò rượu cần còn có măng đắng luộc, cá lăng đuôi đỏ om dưa, vịt trời hấp gừng, heo rừng lai nướng mọi. Thịnh soạn là vậy nhưng tất cả đều là những sản phẩm tăng gia sản xuất theo mô hình mới của Đoàn. Tìm hiểu kĩ hơn, tôi được biết, từ giữa năm 2015, đang ở các đội sản xuất, Đại úy QNCN Mai Khả Mạnh, Nguyễn Bá Tú, Phạm Văn Lợi và Thượng úy QNCN Nguyễn Đình Nam được lãnh đạo, chỉ huy Đoàn cử đi học tập kinh nghiệm làm VAC. Sau nửa năm tích cực tầm sư học đạo, các anh trở về bắt tay xây dựng thí điểm mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi. Sau khi cải tạo mặt hồ tự nhiên của đơn vị, họ dựng chòi, quây lưới rồi đặt mua gần ba trăm con vịt trời về gây giống. Vạn sự khởi đầu nan, dù các anh ngày đêm túc trực, cho ăn cho uống đầy đủ, vệ sinh chuồng trại kịp thời, vậy mà chẳng hiểu sao chỉ sau một tuần, hàng chục con vịt lăn ra chết. Lo sợ vịt bị dịch tả, các anh mang chúng đi thật xa chôn lấp cẩn thận để tránh lây lan, thế nhưng tình hình cũng chẳng cải thiện được là bao. Mãi sau anh Mạnh phát hiện ra, khu vực chuồng nuôi gần hồ nước, ban đêm rất lạnh, vịt con sức đề kháng kém nên bị nhiễm lạnh. “Sai đâu sửa đấy”, sau khi gia cố, che chắn lại khu chuồng, đàn vịt khỏe mạnh, phát triển từng ngày.

Chăm vịt con vất hơn chăm con mọn, ngày đầu tiên chỉ cho ăn bột bắp, ngày thứ hai cám hỗn hợp, ngày thứ ba rau xanh trộn lẫn với cơm… Khi vịt được một tháng tuổi mới có thể ăn lúa và tự đi kiếm ăn. Ban ngày, bốn “nhà nông mặc áo lính” thức dậy từ năm giờ sáng lo vệ sinh mặt nước, chuồng trại, chăn gà, vịt, cá và tưới rau. Đêm thay nhau tuần tra, bảo vệ khu vực chăn nuôi. Rồi cạo nền, rải trấu, phun thuốc, khử trùng, tiêm phòng... Cố gắng từng bước tự bảo đảm nguồn giống, khi đàn vịt bắt đầu đẻ trứng, các anh liên hệ đặt mua lò ấp rồi tỉ mỉ chọn từng quả trứng “đạt chuẩn” đem ấp. Sau bốn tuần “ngồi trên đống lửa”, niềm vui vỡ òa khi lứa vịt con đầu tiên ra đời. Vừa làm vừa tự đúc rút kinh nghiệm, các anh mạnh dạn mua thêm trứng gà ta về ấp, đóng bè thả năm nghìn con cá lăng và hơn năm mươi nghìn con cá rô phi, cá trắm cỏ, cá chép giống. Biết tin bộ đội nuôi được vịt trời, cá lăng người dân trong vùng tìm đến học hỏi và đặt mua con giống rất đông. Hiện tại, đơn vị đã xuất bán được hơn năm nghìn con vịt trời và hàng trăm con gà thương phẩm ra thị trường. Khó khăn lớn nhất hiện nay của các anh là công tác thú y, bởi mỗi lần liên hệ người từ trung tâm huyện về tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật thường rất vất vả, tốn kém, qua tết đơn vị sẽ cử cán bộ đi đào tạo nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu tại chỗ.

Đang lúi húi trong khu chuồng vịt, thấy có khách đến thăm, Đại úy Mai Khả Mạnh, Phó đội trưởng Đội 3, phụ trách tổ chăn nuôi khệ nệ bê hai chiếc thau nhôm đựng đầy trứng xếp vào góc nhà rồi mới quay ra rót nước. Với tay lấy quyển sổ ghi ghi chép chép, anh phấn khởi: “Lịch tiêm phòng, phun thuốc khử trùng, vệ sinh chuồng trại đều được ghi chép chặt chẽ. Mỗi ngày xuất bao nhiêu cám, thu bao nhiêu trứng, ấp nở bao nhiêu con cũng có số liệu thống kê đầy đủ. Hôm nay, tôi mới đếm sơ bộ được hơn hai trăm trứng vịt, trăm bảy trứng gà. Vịt trời dễ nuôi nhưng khó thuần, sơ sẩy để rách lưới, hở chuồng là chúng bay mất ngay. Chỉ huy Đoàn mới thông báo, tết năm nay ngoài chế độ tiêu chuẩn chung, mỗi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên còn được tặng thêm cả vịt trời, cá lăng đuôi đỏ nữa”.

Dẫn tôi đi trên những con đường phủ đầy bụi đỏ, Đại tá Ngô Minh Điền chia sẻ: “Bên cạnh mô hình chăn nuôi, khu vườn thực nghiệm trồng cây ca cao, cao lương, khoai lang, chuối xuất khẩu của đơn vị cũng bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn hai trăm lao động người dân tộc thiểu số, người nghèo, hộ gia đình chính sách. Khi các mô hình này thành công, chúng tôi sẽ từng bước nhân rộng, góp phần giúp người dân trong khu vực Đoàn đứng chân xóa đói giảm nghèo, từng bước xây dựng biên cương ngày càng khởi sắc”.

Bịn rịn chia tay các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 737, theo sự giới thiệu của Đại tá Ngô Minh Điền, tôi tìm về xã Ea Bung gặp Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc (đồn biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Đắk Lắk), một người luôn hết lòng vì trẻ em nghèo biên giới. Nghe tôi hỏi chuyện về anh Phúc, đồng đội của anh cười. “Anh Phúc như con ma xó, cứ có thời gian lại tranh thủ xuống với bà con chỉ cho họ cách làm ăn, biết lấy ngắn nuôi dài, tránh phụ thuộc vào các sản vật của rừng lúc có, lúc không. Nạn mê tín dị đoan trên địa bàn cũng giảm đi rõ rệt nhờ anh ấy kiên trì tuyên truyền, vận động…”.

Thầm lặng những người lính quân hàm xanh
Bên ấm trà xuân, ông Phan Thanh Pha, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bung chia sẻ: “Anh Phúc về tăng cường cho địa phương từ giữa năm 2013 và được phân công phụ trách địa bàn thôn 9. Ea Bung là xã biên giới, có gần bốn nghìn dân với tám dân tộc anh em cùng sinh sống. Phần lớn bà con nơi đây là người Thái Bình, Quảng Nam đi kinh tế mới từ mấy chục năm nay, đời sống vẫn còn rất khó khăn. Hiểu rõ điều này, anh Phúc đã tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, chính quyền nhiều nội dung, biện pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và xây dựng địa bàn vững mạnh.Trên cương vị Bí thư chi bộ thôn, anh luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, củng cố các tổ chức đoàn thể, trực tiếp phát hiện, bồi dưỡng được hai quần chúng ưu tú kết nạp vào Đảng. Hằng năm vào các dịp lễ tết, anh kêu gọi, vận động được hàng chục suất quà, thông qua Ban chỉ huy Đồn biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê và chính quyền xã gửi tặng các hộ nghèo, gia đình chính sách. Đặc biệt, anh bỏ tiền túi cả trăm chiếc xe đạp cũ tặng các cháu học sinh nghèo của xã. Chúng tôi luôn trân trọng, biết ơn những việc làm ý nghĩa của anh”.

Ông Bí thư còn kể, cách đây vài năm, tình trạng rượu chè say xỉn của thanh niên thôn 9 diễn ra như cơm bữa. Đã không ít lần họ mâu thuẫn với chính bạn nhậu của mình. Tìm mọi cách để chấm dứt “vấn nạn” rượu chè mà không có hiệu quả, cuối cùng anh Phúc dùng chiêu khích tướng, thách đấu với một cao thủ rượu trong đám thanh niên. Anh ra điều kiện, nếu anh thắng, họ phải nghe lời anh, hạn chế rượu chè. Nếu thua, anh sẽ chịu mười thùng bia và một con lợn quay cho họ nhậu. Rất tự tin vào tửu lượng của mình, đám thanh niên không ngần ngại nhận lời .

Sáng hôm ấy, thấy trên xới rượu đám thanh niên đã chuẩn bị hai con gà và ba lít rượu đế để nghênh chiến, anh Phúc cười: “Thi uống chứ có phải thi ăn đâu mà bày gà ra làm gì, uống “chay” mới đánh giá được tửu lượng chứ”. Anh đề nghị dùng li lớn thay cho li nhỏ vì “uống li mắt trâu bao giờ mới say”. Đối thủ của anh lâu nay quen kiểu nhâm nhi nên bị ngợp và nôn luôn ngay cốc đầu tiên. Theo quy định, ai nôn trước là thua, vậy là ngã ngũ... Ngồi ôn lại chuyện đấu rượu, anh Phúc tủm tỉm: “Tửu lượng của tớ kém lắm, trước lúc ra sàn đấu tớ chủ động uống một thìa dầu ăn để rượu lâu ngấm hơn, uống xong về móc họng nôn ra bằng hết, thế mà vẫn nằm liệt giường mất hai ngày. Cũng may, đám thanh niên biết giữ lời, chí thú làm ăn, hạn chế rượu chè hơn trước”.

Cuối tuần ấy, anh Phúc hô hào đám thanh niên mang cuốc, xẻng ra đám đất trống đầu thôn phát cỏ, san lấp mặt bằng tạo thành một sân bóng đá, một sân bóng chuyền. Anh tự bỏ tiền túi ra mua bóng, mua lưới và quần áo thể thao tài trợ. Từ đó, chơi thể thao trở nên quen thuộc với đám thanh niên mỗi khi chiều xuống.

Anh Phúc kể, quê anh ở Thạch Hà (Hà Tĩnh), để nuôi chín đứa con ăn học bố mẹ anh quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Hàng ngày sau giờ học anh lại quẩy đôi quang gánh nặng trĩu đi hàng cây số cắt cỏ cho bò. Chính vì thế, khi chứng kiến các cháu nhỏ ở Ea Bung ngày ngày đi bộ hàng chục cây số đến trường anh rất xót xa. Anh vẫn nhớ như in trường hợp cháu Lê Thị Tươi ở thôn 9. Bố mắc bệnh nan y, nhà nghèo quá nên đang học lớp 8, Tươi xin nghỉ. Không có xe đạp, ngày ngày Tươi phải dậy thật sớm đi bộ sang các thôn bên cạnh làm thuê kiếm tiền.

Chợt nhớ ra ở nhà có cái xe đạp cũ của cậu con trai, từ ngày đỗ đại học không còn dùng đến, anh điện thoại về bàn với vợ sơn sửa, tân trang lại chiếc xe để tặng Tươi. Gần năm năm trôi qua, Tươi giờ đã có gia đình riêng và cuộc sống cũng đỡ khó khăn, vất vả hơn trước song chiếc xe của “bố Phúc” luôn được cô giữ gìn và nâng niu như báu vật.

Niềm vui và hạnh phúc của Tươi như tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ Biên phòng hết lòng vì dân ấy. Chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã vận động, quyên góp được hàng trăm chiếc xe đạp cũ mang về tân trang lại rồi đem tặng cho trẻ em nghèo vùng biên giới. Anh kể: “Chứng kiến các cháu học sinh nghèo, đi bộ đến trường giữa trời nắng chang chang, ngày tết cũng cuốc bộ cả chục cây số đi thăm thầy cô, họ hàng và bạn bè, tôi rất thương bởi các cháu giống như con cháu mình vậy. Mong muốn các cháu có chiếc xe đạp để đi, tôi liên hệ với bà con xóm ngõ, anh em họ hàng xem ai có xe đạp cũ không dùng đến thì bán rẻ lại để tôi tặng các cháu. Biết được việc làm của tôi, mọi người giúp đỡ rất nhiệt tình. Có người bán mà như cho, có người sửa sang hoàn thiện rồi dắt đến tận nhà nhờ tôi gửi cho các cháu mà không lấy một đồng nào”.

Dạo trước, cứ gom được khoảng mươi chiếc, anh Phúc lại thuê xe tải chở vào xã, nhờ chính quyền và các trường chọn ra những cháu có nhu cầu bức thiết nhất để anh tặng xe. Về sau, cứ được chiếc nào anh chở thẳng vào cho các cháu luôn. Vì có xe sớm ngày nào các cháu bớt vất vả ngày ấy, nhìn tụi nhỏ vui là anh hạnh phúc lắm rồi. Có nhiều người khuyên anh nên tổ chức trao tặng xe trong các buổi lễ khai giảng sẽ trang trọng, ý nghĩa hơn, bởi khi đó có đông đủ lãnh đạo, chính quyền địa phương, ban giám hiệu nhà trường, đại diện hội cha mẹ học sinh. Song anh nghĩ “của cho không bằng cách cho”, làm rầm rộ quá dễ khiến các cháu mặc cảm với bạn bè vì chuyện “đi xe người ta cho” nên không đồng ý.

Anh Phúc nhớ nhất câu chuyện “giúp một được hai” khi tặng xe cho gia đình ông Trịnh Văn Triển (thôn 2, xã Ea Bung). Ông Triển có hai đứa con nhỏ, được anh tặng xe, ngày ngày hai cháu chở nhau đi học rất tiện lợi. Em Chu Thị Phượng (học sinh lớp 9, Trường THCS Ea Bung) phấn khởi: “20/11 vừa rồi, lần đầu tiên em có xe đạp đi thăm các thầy cô giáo. Có xe đạp, tết năm nay em tha hồ đi chơi với bạn bè. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng chú Phúc”.

Giữa đại ngàn Tây Nguyên đầy nắng và gió, những người “lính đỏ”, “lính xanh” thực sự là chỗ dựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Chia tay các anh khi mùa xuân đã rất gần, tự nhiên lòng bỗng thấy rưng rưng.
Tây Nguyên, chưa xa lòng đã nhớ, hẹn gặp nhé một ngày không xa.

Nguồn: vannghequandoi.com.vn

 
Liên kết
Liên kết web
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 102756