CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CÔNG KHAI - MINH BẠCH - CHÍNH XÁC - HIỆU QUẢ VĂN MINH - THÂN THIỆN - TRÁCH NHIỆM LÂY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ; SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ THƯỚC ĐO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ PHỤC VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
  22/10/2021     |  Lượt xem 65   

Thế giới tuần qua: Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp

Thế giới tuần qua (2/3 – 8/3), bên cạnh thông tin tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nước, thế giới cũng chứng kiến một loạt các sự kiện đáng chú ý khác như: Anh và EU kết thúc vòng đàm phán đầu tiên; Ông Denys Shmyhal giữ chức Thủ tướng Ukraine; Bầu cử “Siêu thứ Ba” tại Mỹ; Liên hợp quốc kêu gọi đình chiến tại Idlib (Syria)…

Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới

Campuchia xác nhận công dân đầu tiên nhiễm Covid-19. (Ảnh: AP)

Dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới virus Corona (SARS- CoV-2) gây ra tiếp tục diễn biến phức tạp với những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới.

Tính đến 8h30 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có 105.856 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 3.605 ca tử vong; 60.180 trường hợp được chữa khỏi. Đặc biệt, tại một số quốc gia được ghi nhận là điểm nóng của dịch bệnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy và Iran, số ca nhiễm Covid-19 không ngừng gia tăng.

Tại châu Á, tính đến nay,Trung Quốc ghi nhận có 44 ca nhiễm mới Covid-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại nước này lên 80.695 người, trong đó 3.097 người tử vong. Hàn Quốcghi nhận 7.134 ca nhiễm (tăng 93 ca so với con số tối qua), trong đó 50 ca tử vong. Iran cũng ghi nhận tính đến nay có 5.823 ca nhiễm Covid-19, trong đó 145 người đã tử vong.

Cũng tại châu Á, một loạt nước đã công bố thêm các ca nhiễm mới như Việt Nam (4), Afghanistan (1), Australia (6), Nhật Bản (63), Malaysia (10), Thái Lan (2). Campuchia thông báo về ca nhiễm đầu tiên là người Campuchia ở nước này. Bệnh nhân là mộtnam giới38 tuổi, có tiếp xúc với một người Nhật Bản đã tới Campuchia vào ngày 28/2. Người Nhật Bản này sau đó về nước và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hôm 4/3.

Tại châu Âu, ổ dịch lớn nhất hiện vẫn là Italy với 5.883 ca nhiễm và 233 ca tử vong, trong đó 36 ca tử vong mới.Tiếp đến là Pháp với 949 ca nhiễm và 16 ca từ vong, Đức với 800 ca nhiễm, tăng 130 ca.

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức nghiêm trọng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề nghị tất cả các quốc gia trên thế giới đặt mục tiêu phòng chống dịch bệnh Covid-19 lên hàng đầu, đồng thời kêu gọi áp dụng cách phòng chống dịch của Việt Nam, Trung Quốcvà Singapore đã triển khai. Các biện pháp đó bao gồm xác định các ca nhiễm và liên hệ với họ để tiến hành biện pháp cách ly, cũng như tuyên truyền và huy động người dân tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Anh và EU kết thúc vòng đàm phán đầu tiên

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnie (phải) và người đồng cấp Anh Davis Frost (trái) tại cuộc gặp ở Brussels, Bỉ ngày 2/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù còn tồn tại quan điểm khác biệt về nhiều vấn đề then chốt, ngày 5/3, các nhà đàm phán thương mại của Anh và và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc vòng đầu tiên với tinh thần xây dựng.

Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier và người đồng cấp Anh David Frost đã gặp nhau tại Brussels (Bỉ) để bắt đầu tiến trình đàm phán được dự đoán sẽ kéo dài hằng tháng nhằm tiến tới một quan hệ mới hậu Brexit.

Phát biểu trong buổi họp báo tại Brussels vào chiều ngày 5/3 sau khi kết thúc vòng đàm phán đầu tiên kéo dài 3 ngày, Trưởng đoàn đàm phán EU, ông Michel Barnier cho biết giữa hai bên vẫn còn quá nhiều khác biệt cần phải giải quyết.

Trong khi đó, trong thông báo gửi đến báo chí Anh cuối ngày 5/3, người phát ngôn chính phủ Anh cho biết, mặc dù hai bên còn nhiều bất đồng lớn, nhưng phía EU cần tôn trọng thực tế là nước Anh đã ra khỏi quỹ đạo của EU và không có nghĩa vụ tuân theo luật hay các toà án của EU.

Theo lịch trình, các đoàn đàm phán hai bên sẽ gặp lại nhau vào cuối tháng này trong phiên đàm phán thứ hai được tổ chức tại thủ đô London của Anh.

Tiến trình đàm phán trên diễn ra chỉ hơn một tháng sau khi Anh rời khỏi EU và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Đây là một khung thời gian quá gấp gáp, khiến nhiều người cho là bất khả thi để hai bên có thể đạt được một điều gì đó ngoài một thỏa thuận căn bản nhất. Thời hạn kết thúc đàm phán là ngày 31/12. Giới chuyên gia cảnh báo, Anh và EU sẽ không thể đạt một thỏa thuận trước cuối năm nay, nếu hai bên không nhượng bộ. Trong trường hợp này, cả hai bên đều thiệt hại về kinh tế. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu không đạt thỏa thuận với EU, Anh sẽ mất 29 tỷ EUR doanh thu xuất khẩu mỗi năm.

Ông Denys Shmyhal giữ chức Thủ tướng Ukraine

Tân Thủ tướng UkraineDenys Shmyhal. (Ảnh: UNIAN)

Ngày 4/3, Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) đã bỏ phiếu bầu ông Denys Shmyhal, 45 tuổi, giữ chức Thủ tướng mới sau khi ông Oleksiy Honcharuk đệ đơn từ chức.

Ông Denys Shmyhal nhận được 291/405 phiếu ủng hộ từ các nghị sĩ Quốc hội tại phiên họp. Trong khi đó, số phiếu tối thiểu cần thiết để việc bổ nhiệm được thông qua là 226 phiếu.

Sau khi bổ nhiệm ông Denys Shmyhal làm Thủ tướng mới thay ông Oleksiy Honcharuk vừa từ chức, tại cuộc bỏ phiếu sau đó, 277 nghị sĩ Ukraine đã ủng hộ danh sách các Bộ trưởng mới do ông Denys Shmyhal đề cử.

Trước đó, Quốc hội Ukraine ngày 4/3 đã thông qua nghị quyết chấp nhận đơn từ chức của cựu Thủ tướng Oleksiy Honcharuk và giải tán toàn bộ nội các.

Cựu Thủ tướng Ukraine Oleksiy Honcharuk đã đệ đơn từ chức lên Quốc hội ngày 3/3, chỉ 6 tháng sau khi được bổ nhiệm. Đây là lần thứ 2 ông Honcharuk đệ đơn từ chức trong vòng 2 tháng qua. Trước đó, vào tháng 1/2020, ông Honcharuk đã đệ đơn xin rút khỏi vị trí Thủ tướng sau khi những phát ngôn gây tranh cãi của ông về Tổng thống Zelensky bị rò rỉ. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Tổng thống Zelensky đã bác đơn xin từ chức của ông Honcharuk và cho rằng “hiện không phải thời điểm để đưa ra những thay đổi về mặt chính trị tại Ukraine”.

Bầu cử “Siêu thứ Ba” tại Mỹ

Cử tri Mỹ bỏ phiếu trong cuộcbầu cử sơ bộcủađảng Dân chủtại Charleston, South Carolina ngày 29/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trưa 4/3 (tối ngày 3/3 theo giờ Mỹ), 14 tiểu bang và vùng lãnh thổ hải ngoại Samoa, Mỹ đã tiến hành cuộc bầu cử “Siêu thứ Ba”, cuộc bầu cử sơ bộ lớn nhất trong tiến trình bầu cử của Mỹ nhằm lựa chọn ứng cử viên chính thức đại diện đảng Dân chủ tham gia cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.

Có thể nói kết quả bầu cử “Siêu Thứ Ba” đã định hình cuộc đua song mã trong nội bộ đảng Dân chủ. Đó là cuộc chạy đua của hai ứng cử viên là cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders.

Kết quả bầu cử sơ bộ trong ngày “Siêu thứ Ba” cho thấy, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang có được lợi thế lớn với số phiếu đại biểu là 453 so với 382 phiếu của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Trước thềm “Siêu Thứ Ba”, bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ đã diễn ra tại 4 bang, với kết quả Thượng nghị sĩ Bernie Sanders tạm dẫn đầu, xếp thứ hai là cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, gió đã đổi chiều trong ngày 3/3 khi ứng cử viên Joe Biden có màn trình diễn rực sáng với những chiến thắng liên tiếp. Ông thắng tại 10/14 bang trong đó có Texas. Với 228 phiếu đại biểu, Texas là bang có số đại biểu nhiều thứ 3 trên toàn liên bang. Tính tới chiều 4/3 (theo giờ Việt Nam), ông Biden đã vươn lên dẫn đầu cuộc đua với tổng cộng 453 phiếu đại biểu.

Dự kiến, cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ sẽ tiếp tục vào ngày 10/3 tới với các bang như Idaho, Michigan, Mississippi, Missouri, North Dakota và Washington. Đây có thể là cơ hội để ông Biden giành đủ số phiếu đại biểu để trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ và cũng là cơ hội để ông Bernie Sander thu hẹp khoảng cách. Sau đó, đại hội của đảng Dân chủ vào tháng 7 tới sẽ quyết định xem ai là đối thủ của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump của đảng Cộng hòa trong ngày tổng tuyển cử toàn quốc.

Bầu cử “Siêu Thứ Ba” cũng chứng kiến nỗ lực bất thành của các ứng cử viên khác trong đảng Dân chủ, gồm tỷ phú Mike Bloomberg và nữ Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren. Không loại trừ khả năng sẽ có thêm ứng cử viên Dân chủ tuyên bố chấm dứt chiến dịch tranh cử tổng thống trong thời gian tới.

Liên hợp quốc kêu gọi đình chiến tại Idlib (Syria)

ổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc gặp gỡ ngày 5/3. (Ảnh: AP)

Ngày 5/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận ngừng bắn mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vừa đạt được tại tỉnh Idlib thuộc miền Tây Bắc Syria sẽ dẫn tới “sự đình chiến ngay lập tức và kéo dài”.

Bên cạnh đó, ông Guterres cũng kêu gọi các bên quay trở lại tiến trình chính trị do Liên hợp quốc hậu thuẫn và được ủy thác bởi nghị quyết do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua năm 2015.

Trước đó, sau 6 tiếng đàm phán tại Điện Kremlin ngày 5/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhất trí về một văn kiện chung nhằm chấm dứt các hành vi thù địch xung quanh tỉnh Idlib của Syria. Theo thỏa thuận, lực lượng của hai nước sẽ đồng thời thiết lập một hành lang an ninh và tiến hành nhiệm vụ tuần tra chung.

Theo nghị định thư do Ngoại trưởng Nga Sergei Lavov công bố, lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu được thực thi từ 0h01 phút ngày 6/3/2020.Văn kiện vừa đạt được bao gồm 3 nội dung chính: Một là chấm dứt mọi hoạt động giao tranh dọc theo đường phân định hiện có bắt đầu từ rạng sáng ngày 6/3; hai là, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra một hành lang an toàn trải dài 6 km về phía Bắc và phía Nam của đường cao tốc M-4 tại Syria; ba là, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tuần tra chung dọc theo đường cao tốc M-4 từ ngày 15/3.

Đây không phải thỏa thuận đầu tiên mà Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được liên quan tới tình hình Syria. Trong cuộc gặp gỡ ở thành phố Sochi thuộc miền Nam nước Nga vào năm 2018, lãnh đạo hai nước đã nhất trí thiết lập vùng giảm căng thẳng ở Idlib, đồng thời cho phép Thổ Nhĩ Kỳ đặt 12 trạm quan sát tại khu vực này. Song đáng tiếc là tình hình trên thực tế đã không diễn ra như mong muốn khi thỏa thuận về thiết lập vùng giảm căng thẳng ở Idlib đã nhiều lần bị vi phạm.

Thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib vừa được các nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thông qua được nhìn nhận là một diễn biến mang lại cơ hội chấm dứt các cuộc đối đầu liên miên tại Idlib, từ đó mở đường cho các hoạt động viện trợ nhân đạo được tiếp cận với những người dân buộc phải rời bỏ nhà cửa tại Idlib do an ninh bất ổn./.

Nguồn: http://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-tuan-qua-dich-covid-19-tiep-tuc-dien-bien-phuc-tap-549901.html

 
Liên kết
Liên kết web
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 102128