1. Vị trí địa lý:
Tọa Độ: 20°59′14″B 106°0′50″Đ.
Xã Lạc Đạo nằm ở phía Đông bắc huyện Văn Lâm, cách trung tâm huyện khoảng 3 km, giáp ranh xã Song Liễu- huyện Thuận Thành- tỉnh Bắc Ninh và xã Dương Quang - huyện Gia Lâm- Thành phố Hà Nội. Là đơn vị hành chính đặc thù tiếp giáp với nhiều xã trong, ngoài huyện, tỉnh, Thành, có đường sắt Hà Nội- Hải Phòng và đường tỉnh lộ 385 chạy qua, vì vậy rất thuận lợi trong việc trao đổi hàng hóa và giao lưu phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội với các vùng lân cận. Là một xã thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, với mặt đất bằng phẳng, vùng đất được bồi đắp phù sa màu mỡ. hệ thống tưới tiêu nước tốt. con sông chảy qua xã là sông Đậu, là một nhánh của sông Bắc Hưng Hải.
Xã có tổng diện tích tự nhiên 860,7 ha, có 4.799 hộ với 17.710 nhân khẩu. Toàn xã có 12 thôn gồm; thôn Tân Nhuế, thôn Hướng Đạo, thôn Xanh Tý, thôn Hùng Trì, thôn Đoan Khê, thôn Hoằng, thôn Cầu, thôn Ngọc, thôn Trình, thôn Mụ, thôn Giữa, thôn Đồng Xá.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự đồng thuận, nỗ lực của các tầng lớp nhân dân tình hình phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn xã Lạc Đạo đã đạt được thành tựu quan trọng, hệ thống cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, phát triển. Năm 1998 xã Lạc Đạo vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2015 xã được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
2. Nghề nghiệp.
Xã Lạc Đạo được biết đến với nhiều nghề như: nghề nấu rượu, nghề làm loa, làm mộc, sản xuất bàn bi-a, cơm nắm muối vừng...... Ngày nay, còn có một số nghề mới như tái chế phế liệu, nilon(một trong những nghề cần được quản lý chặt chẽ bởi nghề này rất độc hại và gây ô nhiễm nhanh chóng nguồn nước, nguồn không khí và tài nguyên môi trường xung quanh.
* Rượu Lạc Đạo lắm gạo nhiều men. uống được vài chén say mềm mà vẫn vui.
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại rượu và người tiêu dùng có xu hướng tìm về với những sản phẩm rượu được chưng cất theo phương pháp truyền thống, không bị pha trộn hóa chất. Chính vì thế, thương hiệu rượu Lạc Đạo đang là một trong những sản phẩm rượu quê nổi tiếng và được nhiều người ưa chuộng.
Thực ra, việc nấu rượu không quá khó và nơi nào cũng nấu được, nhưng để có được rượu ngon, trở thành nổi tiếng thì chỉ một số địa phương làm được. Không ai biết nghề nấu rượu ở Lạc Đạo (Văn Lâm) có từ bao giờ. Chỉ biết đó là một nghề cha truyền con nối. Lớp lớp người Lạc Đạo sinh ra và lớn lên đã thấy ông bà, cha mẹ mình nấu rượu. Thời Pháp thuộc, nghề nấu rượu bị ngăn cấm, ai nấu rượu bị coi là phạm tội và bị tịch thu tài sản. Đó cũng là lúc khó khăn nhất của nghề nấu rượu Lạc Đạo. Theo những người cao tuổi ở Lạc Đạo kể lại, khi đó, trong xã chỉ còn lại rất ít người nấu rượu, và phải nấu vào ban đêm. Rượu được chôn giấu ở dưới chân cột nhà. Do vậy vẫn có những mẻ rượu thơm ngon, đặc sắc ra đời. Và nghề nấu rượu vẫn được kín đáo giữ gìn từ đời này sang đời khác. Lúc đầu người Lạc Đạo chỉ nấu rượu để phục vụ nhu cầu của chính gia đình mình, đặc biệt là vào các dịp lễ tết, hội hè. Người dân Lạc Đạo xưa nay vẫn chỉ sống bằng cây lúa. Và chính từ những cây lúa do mình gieo trồng ra, đôi tay khéo léo của người Lạc Đạo đã biến những giọt rượu trong vắt, thơm lừng và đặc sắc, ít nơi nào có được. Bây giờ là Lạc Đạo, nhà nào cũng biết nấu rượu. Không chỉ người già, thanh niên mà cả phụ nữ cũng biết nấu. Tiếng thơm của rượu Lạc Đạo xưa vang xa, nên khi kinh tế thị trường phát triển, nghề nấu rượu được coi là hợp pháp, công khai phát triển thì có nhiều người tìm đến mua rượu Lạc Đạo.
3. Hệ thống chính trị
Xã Lạc Đạo có 01 đảng bộ khối cơ sở, 01 bộ máy chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, chính trị.. Đội ngũ cán bộ, công chức về cơ bản đạt trình độ chuẩn có tinh thần đoàn kết, thống nhất trong lao động, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.