Mấy bữa nay Sài Gòn hớn hở
Cờ, hoa và pháo nở bung trời
Tôi lượm tro tàn ngoài cửa mở
Kết vòng nguyệt quế viếng thời tôi!
Đấy
là thơ tôi, viết trung tuần tháng 5 năm 1975, gửi báo tường đại đội.
Giời ạ, thơ mới thẩn, báo tường chả thèm đăng. Ôi, năm 1975, tháng 4,
ngày 30… Lắm lúc tưởng năm ấy, tháng ấy, ngày ấy chỉ mới hôm qua hôm
kia, tươi ròng và nóng rát rạt như một trận pháo bầy trùm xuống giữa đội
hình.
Bữa trước, bọn tôi phải tiễn đưa một người bạn, một gã trong số còn sót
lại sau những trận đại bác như thế. Bạn tôi ở một làng ven sông, làng ấy
là cố hương của một nhà thơ - liệt sĩ họ Vũ. Bạn cũng họ Vũ, một người
lính can đảm, một nông phu, một tay chèo bạt gió.
Đầu tháng 5 năm 1975, hồi ở Đồng Dù, Củ Chi, lần đầu gặp lại sau chiến
dịch, đứa nào đứa nấy sạm đen, gầy vêu vao, chỉ mỗi hàm răng là trắng.
Bạn cười, tôi cũng cười, chắc thế, nụ cười thất thần của những người
lính chiến thắng. Quanh nơi đóng quân, vốn là căn cứ của Sư đoàn 25 quân
lực Việt Nam Cộng hòa, mới bị triệt hạ trước đó vài ngày, mùi tử khí ,
dầu mỡ, cao su, quần áo cháy chốc chốc lại quẩn lên trong gió. Xa hơn
một chút, chếch về phía bắc, cửa mở của Trung đoàn Thăng Long, mũi tấn
công chủ yếu trong trận chiến đẫm máu ấy, còn nguyên dạng. Xác hai chiếc
xe tăng M48 án ngữ cửa đột phá, hàng chục lô cốt bị đánh sập, vỡ toác,
ám khói, dây thép gai quằn quại, mìn các loại đầy rẫy trong hàng rào.
Đường xung kích lầm bụi đỏ nhễ nhại. Những vũng máu lớn, chỗ vón cục
lại, chỗ mỏng hơn ngấm vào đất bột, cong vênh lên dưới nắng đầu hè...
Cuối năm 1970, lần đầu nhập trận, đang vượt sông Sê Pôn, tôi bị chuột
rút, bạn kịp vòng lại cùng bè nứa giao liên. Ba ngày sau bạn nhập viện,
tưởng là đi đứt vì sốt rét ác tính, đôi tay thuyền chài cuồn cuộn đã
quắt lại.
Đóng quân ở Đồng Dù, những ngày đầu tháng 5 năm 1975, lính ta vẫn dính
sốt rét. Muỗi nhiều vô kể, thậm chí nhiều và độc hơn muỗi rừng. Đêm ngủ
hoặc buổi trưa ngả lưng chốc lát đều phải giăng màn, thứ màn của lính
dầy lắm, vậy mà chỗ nào da thịt giáp mùng màn tức thì bị muỗi chích. Vết
bị chích ken nhau chồng lên nhau sưng tấy, đám đỏ bầm, đám xám lại như
vầng cơm cháy. Đã mấy ca sốt cấp tính, một tá bác sĩ giỏi có thâm niên
chống sốt rét rừng cũng bó tay. Thành thử dù đã sang hè, lính tráng buộc
phải đóng thùng hết lượt, quần chùng áo dài, đi bít tất cả ngày lẫn
đêm.
Lại nhớ mùa khô năm 1972, cả Mặt trận Tây Nguyên đói dài, bạn dành dụm
được từ bao giở bao giờ một lon gạo, hai thằng gặp nhau giữa rừng, mừng
rú, nổi lửa “ca cóng”. Hăng gô treo trên cành le, gần gốc cây lớn. Củi,
những cây “cộng sản” khô ăn lửa cực nhanh và tuyệt nhiên không một sợi
khói. Bất đồ nghe đề pa đại bác. Đấy đích thị là pháo núi Hàm Rồng. Mẹ
kiếp, chúng nó ngửi thấy cơm tỏa hương chắc. Tôi và bạn kịp hè nhau
phóng xuống khe. Pháo nổ tràn đồi, mảnh gang bay tứ tung. Một chốc pháo
dừng, tôi mở hăng gô. Gạo hẩm, cơm miếng sống miếng chín. Cái bao tử
đang vui, hai tên lính đang vui, thốt nhiên bạn sững lại, ngẩn ngơ, một
chốc thì hỏi, bao giờ được về nhà, mày! Ngày ấy bạn hỏi tôi, tôi cũng
từng hỏi mọi người, những người lính chúng ta hỏi nhau: “Bao giờ được về
nhà?”
Về nhà! Mãi tận ba năm sau, cuối 1975, bạn mới toại nguyện. Về quê, cưới
vợ, sinh con, cuốc cày, chài lưới, buôn vặt, bòn nhặt từng đồng bạc lẻ.
Quay đi quay lại, vùn vụt đã dư bốn chục năm. Đã già. Đã yếu. Bị trọng
bệnh mà toàn bạc lẻ. Bạc lẻ đành phải chào thua!
Bạn với người vừa nằm xuống, mấy gã bom đạn chừa ra trong số 186 tên
cùng quê, nhập ngũ cùng ngày, cúi đầu mặc niệm, lần lượt chạm tay vào
hòm kính lạnh. Nhìn thấy bạn quân phục chỉnh tề mà không thể bắt tay
được nữa!
Cuộc tiễn đưa men theo triền đê, lẫn vào gió sông Đào. Nắng tắt, hồi
quang hắt lên nền trời một quầng lớn màu đất nung. Một ngày đang tàn.
Chiều nay bạn về với sóng
Thênh thang mát mái xuôi chèo
Đáy sông mọc ngôi sao mới
Ngày mai đũa bớt một đôi.
Bạn đi nhé, thổ cư mới nhòm ra khúc quành của dòng sông, cỏ dày và xanh, thoáng đãng nhất vạn chài!
*
* *
Tôi
phóng xe lên thị trấn. Tôi có người bạn cựu chiến binh ngụ cư ở đấy.
Bạn cùng học cấp hai, cấp ba, tôi nhập ngũ trước, bạn làm lính chiến
muộn hơn một năm. Sau 1975, bạn giải ngũ, ôn thi rồi học đại học. Tốt
nghiệp, ra trường về quê công tác, ngày nghỉ vẫn xắn quần lội ruộng, nhổ
mạ, gánh phân, tát nước, tất tật mọi việc của nông phu. Xuất thân chân
đất, tâm thành chí tốt, tự lực và được thời gian trợ sức, bạn trở thành
một trong tứ trụ của huyện quê nhà. Bốc gia đình lên phố, ở quê có việc
hiếu hỉ, công đức, bạn vẫn về, khi một mình, khi cả nhà. Con, một gái
hai trai đều đã trưởng thành, nhà cửa quần tụ gần bố mẹ, quanh phố
huyện. Cũng đã hưu như tôi, lại cũng lắm bệnh - nay chỗ này, mai chỗ
khác trở chứng. Nhà ba tầng rộng rãi nhưng hai lão già kéo ghế ngồi
ngoài sân, dưới dàn ti gôn. Ấm trà xanh vợ bạn về quê mang lên vừa ngấm.
Câu chuyện về nhân tình thế thái. Điện, đường, trường, trạm, áo cơm,
hoa trái…, những cái dễ nhìn thấy đang đẹp dần lên, nhưng quá nhiều thứ
trân quý đã mất, chẳng biết bao giờ hồi phục được. Bạn thở dài, tôi cũng
thở dài. Quay về chuyện con cháu, chuyện này vui hơn. Rồi đến chuyện
riêng tấm thân mình. Những huyết áp, dạ dày, giấc ngủ bị chặt thành mấy
khúc, các phác đồ điều trị, thuốc nọ thuốc kia… Chen vào giữa đôi ba
chuyện ngày xưa, thời lóc cóc cuốc bộ đến trường. Bạn bảo, bọn trẻ khác
chúng ta nhiều lắm. Ừ, rất khác! Dạy con dạy cháu làm người tử tế bây
giờ là khó nhất. Bạn im lặng, tôi cũng im lặng. Chén nước đã lâu không
vơi, nguội ngắt trên tay.
“Tôi buồn lắm!”, bạn nói khi tiễn tôi, bàn tay đầy đặn mà nhão, cái ấm
áp thường nhật đi đâu. Tôi về. Khuôn viên trường phổ thông trung học gần
đó bữa ấy vắng, học trò vừa nghỉ hè. Hoa phượng đương mùa cháy trên mái
phố, đỏ tơi bời dưới quốc lộ. Phượng đỏ rực sân trường báo mùa thi rất
vắng/ Bao gái trai dép lốp đã trên đường… Thơ ấy, thơ báo tường lớp 10A
chúng tôi mấy mươi năm trước. Có một thế hệ như vậy, bao nhiêu học trò
chưa kịp nộp bài kiểm tra thì nhận lệnh nhập ngũ. Thời đại lắm kẻ anh
hùng chiến trận ấy đã tít mù xa. Tôi về đây, không ngoái lại nữa. Tôi
cho xe chạy chầm chậm, lẳng lặng nhìn và lắng nghe. Mùa hè đang chín mà
vắng tiếng ve. Lạ nhỉ. Nhưng trời vẫn xanh, xanh lắm. Mây trắng từng gò
từng đống ngổn ngang bay. Mùa hè lỡ nhịp tiếng ve/ Cánh buồm lẻ gió bên lề ca dao/ Đời xanh như tóc độ nào/ Đã lơ phơ bạc vắng vào sông trưa...
Lại thơ lẩn thẩn, lúc đó còn lâu mới trưa. Sông quê tôi đoạn ấy nhỏ,
ngày thường vắng, chị em họ hàng nhà bèo uể oải trôi trên sóng, đẹp mà
buồn. Có một cây xăng gần bến sông, tôi ghé vào cho xe ăn, vừa đóng nắp
bình thì điện thoại. Áp máy lên, cả hai tai đều ời ời tiếng gọi, tiếng
trong “cục alo” và tiếng từ bên kia đường. Ở đấy, ba gã đồng ngũ vừa rời
quán nước, tụ tập cạnh chiếc xe Kia Morning màu trắng. Từ sáng tới giờ,
tai tôi ở đâu để lỡ ba cuộc gọi của bọn hắn. Tôi dấn xe tới, đùa: “Bẩm
các quan bác, có việc gì sai bảo đấy!”. Gã Bánh Dẻo nhô đầu khỏi cửa xe:
“Thăm thằng Yên, nó mới đi viện về.”
Chiếc xe bốn chỗ ngồi chạy trước, tôi vè vè dông theo. Nhà Yên ở gần đây, lối mấy đứa tôi thường cuốc bộ qua, hồi học cấp ba.
*
* *
Có
nhẽ phải kể về Bánh Dẻo trước, cái gã lái chiếc Kia màu trắng ấy. Hồi
cùng lính mới vào chiến trường, một bận bọn tôi đi lấy hàng, chập choạng
tối về đến sông Sê Pôn thì mưa. Mưa cuối mùa mà dữ dằn ác liệt, lũ dâng
tưởng ngập lụt cả núi non. Bữa trưa, nắm cơm vắt nhỏ bằng nắm tay không
bõ dính ruột. Đói, gã mở ba lô. Hàng là thuốc nổ C4 (món này của Mĩ,
chả hiểu sao kho quân ta lại có) mầu trắng ngà, nom như bánh dẻo. Gã bấu
một mẩu, nếm. Chà, ngọt! Gã tiếp, mẩu thứ hai, thứ ba… Nghe gã rủ rê,
tôi cũng đánh bạo. Ừ, hay quá! Như chè lam! Tôi gật gù, định khen thằng
Thực giỏi bỗng thấy gã trợn mắt ôm bụng, xua tay rối rít. Rồi gã móc
họng, tôi tức tốc làm theo. Rốt cuộc, cả hai thằng không thành... tử sĩ.
Từ đấy, bọn tôi thường gọi gã là Bánh Dẻo hoặc Chè Lam hoặc lạ hơn một
chút, Xê Bốn (C4), thay cho Thực Háu. Vâng, gã tên Thực, Nguyễn Đình
Thực, kẻ háu ăn đệ nhất thế gian này. Cơm nước chưa kịp “ổn định” trong
bụng, thoáng nom thấy nghe thấy món gì có thể chén được, gã đã đánh lưỡi
liếm mép, mắt sáng long lanh. Hồi luyện quân ở Thanh Hóa, nằm chung một
sạp ngay cạnh Thực là Nguyện, tay này là bậc cao tằng tổ tỉ thói gặm
nhấm ban đêm. Kẻng ngủ một lát, nghe chừng lính tráng đã thiu thiu,
Nguyện khởi sự. Khọt khẹt, nhóp nhép... Tiếng sạp nứa cựa mình và tiếng
thằng Nguyện nhai. Nhà lính ba gian mái gianh, vách trát bùn; gian giữa
đặt giá súng và lối đi, hai gian bên cạnh là hai cái giường tự tạo chạy
suốt chạm cả ba chiều vách, chiếu cá nhân trải sát nhau. Quá gần, nên
cái sự nhai đêm của thằng Nguyện tra tấn nhau kinh khủng không thể tả.
Lại còn cái thứ người ta vẫn gọi là mùi mới vị. Mùi kẹo bột, mùi lương
khô, mùi lạc rang, mùi sắn nướng... mỗi đêm một món. Thục Háu cóc ngủ
được, trở mình luôn luôn. Thằng Nguyện bèn trở đầu đuôi, lắm lúc chân
thằng nọ vả vào mặt thằng kia. Khổ thân thằng Thực quá, ai bảo gã thính
tai, tinh mắt, tinh mũi hơn người. Cuối cùng, sau bữa tối, sau mọi sinh
hoạt họp hành, khi mọi người chui vào màn, gã treo võng ngoài hiên, vừa
đu đưa vừa khe khẽ hát. Bữa nào mưa gió hoặc trở trời lắm muỗi lắm dĩn,
chờ thằng Nguyện, tức Nguyện Cứt Sắt hoặc gọn hơn - Nguyện Sắt thôi
nhai, gã mới rón rén len vào chỗ của mình. Thực hay hát từ đấy. Giọng
Bánh Dẻo cũng khá. Bạn tin không, gã từng hát kiếm... ăn trên đường
Trường Sơn cơ đấy. Thoạt đầu chỉ là trò đùa nghịch của tôi và gã. Gã
thường hát nhỏ, vu vơ, ngẫu hứng, mỗi bận dừng chân. Tôi bảo, mày lên
gân lên cốt gào to to một tí xem nào. Gã bảo, nhạt miệng bỏ bà. Tôi đưa
một chiếc kẹo, quà quê trước khi đi B, tôi để dành được. Gã liếm mép,
cười tủm. Rồi đó, bài hát vang lên, thấp thoáng núi non, biển cả, cánh
đồng, gái trai nón trắng áo hồng, những câu thơ vỗ cánh qua sông. Ở phía
cuối hàng quân, một cây ghi ta gỗ được chuyền lên. Vài ba người lựa
giọng hòa theo, một bè trầm lan tỏa. Bên kia khe suối, vẫn trên một cung
đường, tiếng điếu cày đầy phấn khích vọng sang. Lính dần dần tụ lại
nghe Bánh Dẻo hát, nhân thể hút ké thuốc lào. Một thanh lương khô, một
chiếc kẹo, một quả rừng nào đó trẩy được bên đường. Gã hát. Gã nhận quà
của lính, mỗi hôm một chút, chỉ của một người. Đường dài, vài thứ nhấm
nháp được lính ta cõng trên ba lô cũng hết, gã vẫn hát, mỗi chặng dừng
chân, lính ta phụ họa, cả mồm miệng và chân tay. Giọng Bánh Dẻo khá đẹp,
khỏe và vang, rất hợp với cái thời người ta cần thấy mình vạm vỡ, lớn
lao, mạnh mẽ hơn sức vóc thực. Đôi lúc gã cũng hát bậy hát bạ, xuyên tạc
bài nọ xọ bài kia... Ấy là chuyện trước khi Thực bị thương. Đầu mùa khô
1972-1973, đơn vị lật cánh từ Kon Tum xuống Gia Lai, mới chạm vùng ven
Đức Cơ, bất thần đại bác, một trái phá, độc một trái thôi, nổ trúng điểm
trú quân. Không ai xây xước gì, trừ Thực, gã bị mảnh gang lướt qua cổ.
Đi viện hơn tháng trở lại đơn vị, giọng đục và méo, gã không hát nữa,
trước đông người. Sau 1975, học hành dang dở, gã về quê làm nông dân,
như ông bà cha mẹ. Rảnh một chút thì quăng lưới, đánh dậm, thả lờ… Buổi
nông nhàn thì làm thuê. Hết việc, “ba lô lộn ngược xuôi tầu Bắc Nam”, đi
buôn vặt. Nói gọn lại, việc gì lương thiện mà nở ra cơm gạo nuôi con,
gã không nề hà. Lần hồi mãi rồi con gã, hai tên gà tồ cũng học hết cấp
ba. Gã hỏi bạn lính, “Vô sản toàn thế giới hãy liên hợp lại!”, có câu
khẩu hiệu như thế, đúng không? Đúng, đúng. Lại hỏi, Âu - Mĩ toàn những
nước công nghiệp phát triển, vô sản - bây giờ hay gọi là công nhân í,
vừa đông đảo vừa giỏi nghề lắm phải không? Ừ, đông lắm, đông vô vàn. Hỏi
tiếp: Nên liên hiệp với chỗ nào đông người cho mau khỏe, đúng không?
Đúng, tất nhiên rồi. Vậy là gã lo cho con đi xuất khẩu lao động, từng
đứa một, anh trước em sau. Bây giờ chúng giầu sụ, ủi bay căn nhà cũ,
dựng một Villa gần thị trấn, đào ao, quật đất làm vườn, cây cối hoa trái
mùa nào thứ đó, Bánh Dẻo ta chẳng lo nhạt miệng. Hồi ở chiến trường,
bằng cách nào đó, hiếm khi trong ba lô của gã không có thức gì nhấm nháp
được. Đêm đi trinh sát, nằm giữa hàng rào kẽm gai, phía trước lính địch
gọi nhau đổi gác, ngay sát nách là bẫy mìn, miệng Bánh Dẻo vẫn nhí
nhách. Có thể chỉ là một mẩu sắn, có thể chỉ là mươi hạt lạc, hạt đậu
tương rang, có thể là chỉ nửa thanh lương khô. Bây giờ gã vẫn chứng nào
tật ấy. Thỉnh thoảng gã vẫn thả lỏng cho cả nhà nghỉ ngơi một vài buổi.
Gã năng ôm đàn hát hơn, lúc một mình, khi cả vợ con, bạn bè. Chiếc xe
Kia là quà tặng của thằng lớn. Thằng em bảo, cái “công nông đời đầu” một
chấm này bố dùng để tập lái thôi, khi nào thành tay lái lụa, con ka bê
(kính biếu) bố cái khác, những năm bẩy chấm cho hoành. Thằng anh cười
tủm, không chấp. Đã hết thời phải sấp mặt chỉ lo cái ăn chỗ ở, Thực gọi
hai cậu con trai về nước, chung tay mở một xưởng thợ tầm tầm, bỏ một ít
tiền lập quỹ khuyến học cho dòng họ. Xuất khẩu lao động mẹ gì - gã nói,
cũng đi làm thuê cả thôi, nhục lắm. Bây giờ nhiều người gọi là sống kiểu
gì nhỉ. À, sống chậm. Nhiều lúc phải biết thư thả, biết ngẩng đầu lên,
đi đây đi đó…
*
* *
Chiếc
Kia dừng trước nhà Phan Đăng Yên, Bánh Dẻo mở cửa và mở miệng: “Sếp có
gì nhuộm mồm nhuộm miệng không đây!”. Vợ Yên bước ra, đon đả: “Có ạ, có
ạ! Em mời các bác…”. Nhà Yên mới sửa sân, tôn cao, lát gạch đỏ. Lối nhỏ
ra vườn trải sỏi, hai bên trồng hoa tóc tiên. Giàn phong lan trước hiên
thêm ba giò hoa mới. Chủ nhà vừa thoát cơn bạo bệnh. Bệnh cũ, hồi mới
nhập ngũ, thỉnh thoảng đã phải uống thuốc. Là lính, bị chiến tranh băm
kĩ ninh nhừ liền mấy năm, tuổi ngoại sáu mươi, bệnh cũ rủ bệnh mới đua
nhau công phá. May mà gặp thầy gặp thuốc. Mới tháng trước, đi viếng bà
mẹ một đồng đội khác, khi về, Yên luôn chạy trước, chốc chốc dừng xe,
ngoái lại chờ tôi. Mắt và tai đều kém, tôi thường cho xe chạy chậm. Đến
chỗ rẽ ai về ngả ấy, “đi cẩn thận nhá” - Yên bảo, tôi “ừ”. Được một
đoạn, ngó vào gương chiếu hậu, tôi thấy gã vẫn đứng đấy. Yên là vậy, hay
lo cho người khác. Đầu năm 1973, tôi dẫn tiểu đội công binh tăng cường
cho đại đội Yên công đồn. Đang khai triển đội hình tiềm nhập thình lình
đại bác, tôi đổ sấp xuống một hốc cây. Trái phá nổ phía bên kia, nửa
thân cây sát đất nát nhừ. Pháo bắn vu vơ, có lẽ thế, chỉ dăm bảy trái
thì dừng. Tôi co chân, định nhổm dậy. Nặng trịch. Đấy là Yên, thì ra
trước đó gã đẩy tôi vào hốc cây, nằm đè lên. May mắn, cả đội hình an
toàn. Gã vuốt ngực, thở khò khè, lục bòng lấy thuốc, bặm môi đứng dậy,
vượt lên đầu hàng quân. Trời tối sập. Nhưng cuộc ấy hóa nhàn. Lệnh rút,
khi lực lượng đột kích đã áp sát hàng rào cuối cùng. Thôi công đồn, quân
tôi về đơn vị chủ quản. Chừng nửa tháng sau Phan Đăng Yên chỉ huy đại
đội nhổ chốt Đầu Lâu, một đài quan sát trên dãy núi Chư Kra. Đánh xong
trụ lại một ngày, Yên bị sốt rét đánh cường tập, chỉ huy tiểu đoàn thúc
quân cõng gã xuống núi. Trạm phẫu dùng liều đặc trị, cắt sốt, nghe tin
bị mất mỏm Đầu Lâu, ban chỉ huy đại đội đều trọng thương, Yên khoác ba
lô, dông rừng về. Chiều ngả, lập tức kéo các trung đội trưởng đi trinh
sát. Vào trận, gã chỉ lấy mười lăm tay súng, một nửa số đó là B40, cùng
rất nhiều lựu đạn, quân cán trèo núi, luồn ra phía sau. Dàn bộc phá
phóng bày ở phía trước đánh vỗ mặt, thực ra đây là một cú đánh lừa. Nhá
nhem tối điểm hỏa. Bộc phá phóng quả nổ - mìn định hướng, lựu đạn bay
lên, nổ trùm trước mỏm Đầu Lâu trên dưới trăm thước. Đang ăn tối, bọn
lính rằn ri thoạt đầu tút xuống công sự, một lát thấy hỏa lực đối phương
đánh như gãi ghẻ, bọn chúng rời hầm hố, nhao lên cả lượt, đứa đứng đứa
ngồi xem vũ khí mới của Việt cộng. Nhiều thằng cười giễu. Trong khi ấy,
quân cán nhà Yên đã áp sát sạt. Thình lình lựu đạn, tiếp liền B40, chỉ
nhằm phá hủy công sự. Quá bất ngờ, không biết bị đánh từ đâu, càng không
thể nghĩ bị đòn hiểm từ khe suối thốc lên, điều tối kị trong tác chiến.
Hầm hố công sự, cái bị chiếm lĩnh cái bị đánh sập, vũ khí cũng bị hủy
trong đó, ba chục tay súng đồn trú mỏm Đầu Lâu vỡ trận, mạnh thằng nào
thằng nấy chạy. Trận đánh chừng năm phút, tuyệt đối đúng phương án tác
chiến.
Sau 1975, tiểu đoàn phó Phan Đăng Yên đi học, năm 1979 cầm quân cự giặc ở
phía Bắc. Hồi toàn quân giảm biên, gã “nghỉ một cục”. Về quê, lại đi
cày, trồng rau, chăn nuôi, chạy chợ… Con gã, con nhà lính vốn biết thân
biết phận, chịu học, chịu nghĩ, chịu làm, bây giờ mỗi đứa một cơ ngơi.
Chúng định dỡ cái “chui ra chui vào” trước đây dựng nhà mới cho bố mẹ.
Yên bảo từ từ. Sự thực gã tiếc công lênh vợ chồng gã. Ban ngày ban mặt
lo kiếm miếng ăn bỏ miệng, lo cho ba đứa trẻ đến trường, đêm quật xỉ
than quật đất đóng gạch, xây nhà. Ba năm liền như thế. Căn nhà, bọn trẻ
vẫn chê là lô cốt ấy, tất tật năm mươi thước vuông, tường gạch bi dày
ngót hai gang tay, cửa rả vôi ve, qua mấy bận sửa sang, nom cũng sạch
mắt. Gã Bánh Dẻo bảo, tường dày, hè mát đông ấm, đừng phá.
Đồng đội cũ đến thăm, Yên lò dò bước ra ghế, thần sắc nom đã khá lắm. Dù
vậy, nhìn đám thuốc men, máy móc sẵn sàng, thoáng nghe tiếng thở dài
không biết của ai lẫn tiếng bước chân sẽ sàng của cô con gái, căn phòng
như rộng ra, se se những gió. Nhân lúc vợ con Yên xuống nhà ngang, gã
Bánh Dẻo bô bô, thằng Yên với mày - gã chỉ tôi, ngày xưa, chúa tể món
trộm xem gái tắm. Hây zà, thằng cha dựng đứng vụ này. Ở Gia Lai thời ấy,
mỗi làng thường có một hai bến nước. Là một tụ thủy, nơi hai dông đồi
gặp nhau, cùng nghiêng xuống, nước được chắt lọc từ ruột đất, cuối dòng
là một đoạn tre nứa làm máng đổ vào bến, nước trong và lành. Khi tắm,
phụ nữ cởi hết váy áo, xây lưng lại lối đi. Người cần lấy nước với tay
qua vai người tắm, hứng bi đông ăn vào miệng máng. Lính trẻ dễ ái ngại
lại nhát như tôi và Yên, thường cắm đầu cắm cổ đi thẳng chứ sao mà
dám... Từ nhà ngang, vợ Yên bưng hoa quả lên mời khách. Nhân lúc vui
chuyện, tôi bảo Thực, lão hát thử coi, một bài láo toét ba lăng nhăng
nhất ngày xưa ấy. Bánh Dẻo ừ hữ vỗ trán, nhấm một góc múi cam liếm mép,
dọn giọng. “Ta là con của bố ta mẹ ta/ Nhớ nhà là ta cứ ra về/ Ta ra đi
không cần ô tô/ Ta cần lương khô/ Ta về con chó vẫy đuôi mừng ta...”.
Bánh Dẻo hát đấy, bốn tên lính già vỗ nhịp hát theo, câu nhớ câu quên.
Bài hát xuyên tạc một ca khúc rất nổi tiếng của một nhạc sĩ quân đội.
“Ta cần lương khô… ta về…”. Là B quay, đào ngũ… Bài hát lếu láo này, bọn
tôi đã thuộc, đã hát như một trò đùa thuở còn rất trẻ, từ những bước
chân đầu tiên trên đất rừng Trường Sơn. Hát nhăng nhít bậy bạ thế, nhưng
cả thảy 186 thằng nhập ngũ cùng ngày đều đi một hướng. Rất nhiều người
đã nằm lại dọc đường đến ngày Ba mươi tháng Tư.
Đồng ngũ tôi, 186 gã trai tóc xanh
Lửa trăm trận, sót dăm thằng tóc bạc
Bữa hội ở Sài Gòn mâm cơm khuyết góc
Bốn chân trời đại bác khói chưa tan!
Ai
đó nhắc đến Nguyện Sắt, tay chuyên gia gặm nhấm ban đêm thuở nào, hắn
không phải đồng ngũ với chúng tôi. Người bảo hắn B quay. Người bảo hắn
bị thương trận đầu, đi viện rồi chuyển đơn vị. Lại ra trận, thiếu một
huân chương nên không được phong anh hùng. Vậy đấy, chiến tranh... Chỉ
một người thôi đã bao nhiêu cơ sự, duyên phận, nỗi niềm.
Vợ Yên tiễn chúng tôi ra ngõ. Gã ta vịn cột, đứng ở đầu thềm, dặn với:
“Hôm nào nhạt miệng, lại tụ tập nhá!”. Bánh Dẻo nhanh nhẩu: Ừ, nhớ! Còn
mấy mống nữa đâu!
Đ.V.N
Nguồn: vannghequandoi.com.vn