Có
lẽ, chưa bao giờ cụm từ 4.0 được dùng rộng rãi và thường xuyên như thế
trên đất nước ta. Cách gọi đó có thể coi là súc tích nhất về cuộc cách
mạng công nghiệp lần thứ tư. Với việc tạo ra các nhà máy thông minh, các
thành phố thông minh, sự lên ngôi của robot do con người điều khiển…
thì vạn vật kết nối đã không còn là điều giả tưởng ở trên hành tinh xanh
này. Ngay đến văn học nghệ thuật cũng chịu tác động của 4.0 như Hải
Đường dự cảm: người máy làm thơ/ người máy vẽ tranh/ tranh chẳng cần
trường phái/ thơ chẳng cần trái tim (Lãng mạn 4.0).
Và
khi thơ chẳng cần cảm xúc thì cuộc sống sẽ thế nào, con người rồi ra
sao, những dấu vết của quá khứ có biến mất không? Hay cuộc sống chỉ cần
lập trình máy móc, cứng nhắc bởi những tiện nghi từ thiết bị thông minh?
Có lẽ đây là mấu chốt để ta hiểu vì sao trong tập Lãng mạn 4.0, Hải
Đường muốn xác lập lại sự lãng mạn của con người như một thuộc tính
không thể đánh mất, không được đánh mất.
Cái
lãng mạn ấy chính là sự hồn nhiên trong trẻo khi đắm lòng cùng không
gian sống: Trời hòa vào đất/ đất bật lên trời/ sông à sông ơi/ bùn non
ru chòm sao sớm (Lãng mạn 4.0). Tôi tin cái vệt bùn non ru chòm sao sớm
là một hình tượng thơ đáng giá, đẹp và sâu sau những giản dị của ngôn
từ.
Viết
về quá khứ, thơ Hải Đường, trước kia và bây giờ vẫn đầy những rung cảm
chân thật: Hoa rã cánh một thời phiêu diêu khốn khó/ rưng rưng năm đói
mất mùa/ chợ Tết mom sông bán mua như cướp/ cha lặng im chôn khói thuốc
vào tim... (Bữa cơm chiều Ba mươi). Quá khứ ấy, không chỉ ở
phía hoài niệm đời thường mà cả những niềm nỗi của chiến tranh vẫn trở
đi, trở lại bao lần trong thơ anh: Người lính già bên quầy báo/ ngày
ngày dõi tìm thông tin mộ liệt sĩ/ khát đám mây lành mong làm dịu đi/
cuộc chiến phía sau những cuộc chiến (Người lính già bên quầy báo).
Trong
những vấn đề thuộc về thời sự, thế sự ta nhận ra cách giải phẫu hiện
thực tinh tế ở thi ca, cùng những mong mỏi khát vọng nhân văn của tác
giả: Sớm nay trời trong và mây sáng/ ở vĩ tuyến Ba mươi tám/ những cô
gái Hàn, những cô gái Triều Tiên/ ôm hôn nhau trong khúc nhạc dịu êm (Từ nốt lặng này); Sau những lá phiếu bầu/ bạn bỗng thành người khác/ cái chân chầm chậm bước/ cái bắt tay hững hờ (Được và mất); Đường phố mỗi lúc mỗi đông/ trốn vào tiếng chuông tiếng mõ/ ai hay chùa cũng chật rồi/ chẳng kiếm ra nơi đặt lễ... (Đầu năm lễ chùa); Em nhắc ta/ lúc chạy thi với bạn/ cán đích không phải điều quan trọng/ hãy tự hỏi ta có cần thắng bạn không? (Đừng giẫm lên kiến).
Cuộc
sống là thế đó, luôn mang trong nó những ngụ ngôn đời, mở ra những lưu
vực sáng dịu dàng nhằm che bớt bấy nhiêu gắt gao chói lói của thời công
nghệ hóa, tự động hóa: Ông cõng cháu đến lớp/ chuyện ngụ ngôn phập phồng
trên lưng/ đêm về nhà cháu đòi đổi chỗ cho ông/ để loài cây không phải
quay đầu xuống đất (Ngụ ngôn). Tôi nghĩ đó cũng là lãng mạn của
Hải Đường. Lãng mạn thời 4.0 rất đáng trân trọng của một nhà thơ luôn
mang trong mình sự đau đáu thi ca. Không chỉ đến tập này mà ở cả những
tập trước tôi đã nghe vọng lại từ Hải Đường một hồn thơ muôn dặm sóng...
NGUYỄN HỮU QUÝ chọn và giới thiệu
Đối diện
Chỉ còn đêm và anh
những góc khuất không giấu mình được nữa
hoa dại sau khung cửa
thoang thoảng hương
Chỉ còn đêm và anh
những ồn ào, chúc tụng đã rơi vào đôi giày
ở chân giường
có tiếng chim ngọn cây khắc khoải
ngày mai là giỗ bạn mình
Treo áo lên mắc
cái áo quá rộng, biết ngỏ cùng ai
giờ là lúc tự do nhất
mấy thằng bạn ở trần ngày ấy giờ đâu?
Tưởng sẽ ngủ một giấc thật sâu
tấm đệm dưới lưng mềm quá thể
nhớ những đêm xưa lưng đèo rải lá
ngước sao trời con mắt xanh
Chỉ còn đêm và anh.
Búp tay ánh sáng
Bóng áo choàng mờ sương
những búp tay thon lướt trên mí mắt
dìu dịu ánh vàng trên cao
tỏa xuống vòm nắng ấm
Phẫu thuật là thế sao?
búp tay non như lá trong chiêm bao
tiếng em nhẹ như hơi thở:
- thả lỏng toàn thân… liếc sang bên trái
- hạ thấp cằm… nhìn xuống bàn chân!
Tôi như bác nông dân
sau vụ gặt thảnh thơi ngẫm nghĩ
nhớ đôi mắt mẹ nhòa khói sương
bóng đêm dắt tay qua đường
thợ cày đồng chiêm thập thõm
Điều kì diệu là đây chăng
bóng tối dẫn ta về buổi sớm
làm dịu nỗi đau không phải thuốc tê
mà là những búp tay ánh sáng.
Từ nốt lặng này
Bốn mươi trạm loa phóng thanh ở biên giới liên Triều
của Hàn Quốc và Triều Tiên bất ngờ bị dỡ bỏ
bốn mươi nhăm năm ra rả chĩa sang nhau
cái im lặng phút này muốn òa nước mắt
Ông Mun và ông Kim(1) trồng cây thông cầu nguyện hòa bình
những lò thử hạt nhân từ nay đóng cửa
sự im lặng của hòa bình không cần sấm giật trời rung
những món ăn ngon của hai miền chung tiếng cười độ lượng
Sớm nay trời trong và mây sáng
ở vĩ tuyến Ba mươi tám
những cô gái Hàn, những cô gái Triều Tiên
ôm hôn nhau trong khúc nhạc dịu êm
Chiến tranh, chia cắt hai miền lui về dĩ vãng
từ nốt lặng này hạnh phúc bay lên!
--------
1. Moon Jae-in, Tổng thống Hàn Quốc và Kim Jong-un, Chủ tịch CHDCND
Triều Tiên.
Nguồn:http://vannghequandoi.vn/tho/vong-tu-muon-dam-song-tho_10958.html