RUYỆN NGẮN ĐOẠT GIẢI NHÌ
Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên Phong (1)
Chiếc taxi
màu vàng đặc trưng của thành phố New York tạt vào lề đường. Ông lão lái
xe tầm bảy mươi tuổi, tóc nâu bạc, mặt đỏ như gà chọi ngoảnh mặt ra,
mỉm cười với anh.
Anh bảo:
“Cho tôi đến Tarrytown”. Ông lái xe nói: “Chỗ đó xa. Không chạy đồng hồ
được. Để tôi xem bảng giá”. Vừa nói, ông ta vừa lôi cuốn sổ dày như từ
điển ra tra cứu. Ông ngẩng lên, hỏi: “Anh trả tiền mặt hay thẻ?”. Anh
trả lời: “Tiền mặt”. “Vậy thì 150 đô”. Anh gật đầu.
Quay sang
thằng lớn, anh nói nhỏ bằng tiếng Việt: “Ở đâu cũng thế nhỉ, đều thích
tiền mặt để trốn thuế!”. Thằng lớn chỉ cười cười không bình luận gì. Nó
đang học ở đây, được ba năm, sống bằng tiền chu cấp của gia đình nên
không quan tâm đến mấy chuyện thuế má.
Khi chiếc
xe thoát khỏi những ngã tư dày đặc như đường kẻ bàn cờ, đến đường cao
tốc, có vẻ rảnh rang hơn, ông lão bắt chuyện: “Anh là người Nhật?”.
“Không. Việt Nam”. Ông ta ồ lên một tiếng, rồi hỏi: “Sài Gòn?”. Anh lắc
đầu: “Hà Nội”. Ông lão khoe: “Tôi đã đến Việt Nam”.
Anh biết
cảm giác của người nước ngoài thường rất tệ sau khi đến Việt Nam du lịch
nên không hỏi thêm. Ông lão thấy anh không mặn mà cũng dừng chuyện,
thỉnh thoảng lại nhìn anh qua gương chiếu hậu.
Chiếc xe
giảm dần tốc độ. Ông lão giơ hai tay quá đầu, thốt lên: “Chỗ này thường
xuyên tắc!”. Không rõ ông ta muốn nói với anh hay chỉ cảm thán với chính
bản thân mình. Trước khi đặt tay trở lại vô lăng, ông khẽ nghiêng người
chỉnh lại chiếc mũ mềm màu đen đang đặt ngay ngắn trên táp lô.
Lúc này
anh mới để ý đến chiếc mũ. Rõ ràng nó được đặt một cách có chủ ý. Lưỡi
trai quay về đằng sau, phía hành khách. Trên trán mũ có thêu biểu tượng
hai khẩu súng trường màu xanh lá cây bắt chéo nhau. Dòng chữ Veteran -
Vietnam War(2) màu vàng. Anh chợt hiểu sẽ phải tiếp tục câu chuyện với
ông lái xe như thế nào.
Anh bắt
đầu: “Thì ra ông đã tham chiến ở Việt Nam?”. Như chỉ chờ câu hỏi đó, ông
lái xe vỗ ngực đét một tiếng, cằm hơi nâng lên, mắt nhìn anh qua gương,
nói: “Sư đoàn 4”. Anh hỏi: “Ông ở Việt Nam bao lâu?”. Ông lão trả lời:
“Ba năm”.
Thằng lớn chụp tai nghe, đầu gật gật theo bản nhạc được phát ra từ chiếc Iphone.
Quãng đời
lửa đạn được ông lão thao thao kể suốt đoạn đường đi Tarrytown. Có vẻ
như ông đã thuật lại nhiều lần, đến độ thuộc lòng. Anh nghe chăm chú,
thỉnh thoảng hỏi lại những đoạn chưa rõ. Anh nhìn sang thằng lớn. Nó
nhắm mắt như đang ngủ. Vốn ngoại ngữ của anh bập bõm, định hỏi nó vài từ
khó hiểu nhưng nhìn thấy cảnh ấy lại thôi.
Anh biết
thằng lớn không thích nghe chuyện của ông lão. Ngay như chuyện của anh,
lũ trẻ cũng không muốn nghe. Chúng bảo: “Chuyện của bố chán lắm”, “Bố
quên những chuyện này đi”… Anh mắng: “Chúng mày mới là thế hệ đáng chán,
đáng quên”.
Anh hỏi
ông lão: “Ông có biết vì sao các ông thua không?”. Ông lão nhún vai,
nói: “Biết chứ, vì chúng tôi chiến đấu với thế hệ vĩ đại nhất của đất
nước anh”. Anh nghĩ một lúc rồi gật đầu: “Cũng có thể”.
Anh móc ví
trả ông lão tiền, nháy mắt, nói: “Cha tôi chiến đấu với các ông đấy, bị
thương suýt chết”. Khuôn mặt ông lão đang phấn khích bỗng đờ ra. Ông ta
lắp bắp: “Chiến tranh mà, chiến tranh mà, không phải lỗi của tôi”.
*
* *
Mùa hè năm bảy tư,
lúc đó anh năm tuổi, đang học mẫu giáo. Chiều hôm ấy từ lớp học về, anh
nhảy chân sáo, kéo theo một cành củi buộc bằng sợi dây đay giả làm ô
tô. Đến đầu ngõ, bọn trẻ con trong xóm thông báo: “Bố mày về rồi”. Anh
quên cả “ô tô”, chạy như bay về nhà. Ngồi bên bàn nước tiếp chuyện hàng
xóm là một người đàn ông gầy nhom, nước da xanh mái, mặc quân phục nhưng
thiếu quân hàm, ngực không gắn huân chương. Ống quần bên phải xắn gọn,
không thấy chân thò ra. Chiếc nạng gỗ dựng bên cạnh.
Anh đứng như trời trồng giữa cửa. Anh Cả nhắc: “Bố đấy, chào bố đi”.
Anh nhìn người đàn ông trân trân. Đây là bố mình ư? Anh vẫn tưởng tượng bố thắng trận trở về, com măng ca đỗ
xịch trước ngõ. Bước xuống oai vệ. Đầu đội mũ tráng bánh cuốn. Khẩu
súng ngắn có bao da nâu đeo xệ bên hông. Giày da đen nện xuống đất kịch
kịch sau mỗi bước chân. Lũ trẻ con hàng xóm chạy theo đằng sau tung hô.
Anh sẽ được bố bế trên tay, vênh vang với lũ trẻ trâu.
Nhưng không… Lẽ nào người đàn ông gầy gò với cây nạng gỗ này lại là bố mình ư?
Người đàn
ông vẫn ngồi trên ghế, chìa hai tay về phía anh với nụ cười méo mó:
“Thằng Út lại đây bố ôm nào”. Anh Hai đẩy vai anh, giục: “Lại với bố
đi”. Anh bước chậm, mếu máo vì lạ và sợ. Đây là lần đầu tiên, anh nhìn
thấy bố bằng da bằng thịt.
Bố anh bị thương nặng, mất một lá phổi, bốn cái xương sườn và chân phải cưa trên gối.
Cuộc đời
chinh chiến, trận mạc của bố trong ký ức anh chỉ đọng lại có thế. Những
năm tháng sau đó, bố là một ông thợ sửa xe đạp. Sáng sáng chống nạng,
tập tễnh xách đồ nghề đựng trong hòm đạn đại liên màu xanh rêu ra đầu
ngõ. Nơi có hai chiếc cột điện gần nhau được căng mảnh áo tơi ở giữa che
mưa nắng. Đấy là “cơ quan” bố công tác cho đến khi mất.
*
* *
Tarrytown
là thị trấn ngoại ô của thành phố New York, nằm trên triền đồi thoai
thoải bám vào mép sông Hudson. Thấp thoáng những ngôi nhà gỗ sơn trắng
dưới tán lá rừng xanh thẫm. Đường phố vắng tanh. Vắng đến độ hươu nai
thỉnh thoảng lại phi ào ào qua đường sang cánh rừng bên kia. Chúng không
sợ người. Nhỏ bé nhút nhát như lũ sóc cũng không sợ người. Dường như
không thèm để ý đến sự có mặt của con người là anh, chúng thong thả,
nhẩn nha kiếm ăn ven đường. Anh thò tay nắn nắn túi quần, thằng lớn nhắc
ngay: “Bố đừng cho nó ăn. Phạt 50 đô đấy”. Anh bảo: “Tao cho ăn chứ có
bắt làm thịt đâu mà phạt?”. Thằng lớn giải thích: “Chúng sẽ phụ thuộc
vào con người và đánh mất bản năng nếu được cho ăn”. Anh lẩm bẩm: “Tự do
cho cả muông thú. Kì quái!”.
Do chưa
giải quyết xong việc nên hai bố con anh phải nghỉ lại qua đêm. Họ nằm
còng queo trong khách sạn rìa thị trấn. Mỗi người ôm một chiếc Ipad vì
chả có chuyện gì để nói với nhau. Thằng lớn chát chít với bạn, cười hinh
hích. Nó sắp tròn 20 tuổi.
Báo mạng tràn ngập các tin tức về Biển Đông. Tình hình mỗi ngày một căng.
Anh vào
Facebook. Không khí ở đó còn nóng hơn ngoài hiện trường. Đám thanh niên
bình luận rôm rả, hừng hực như thể sẵn sàng xung trận đến nơi. Anh lượn
qua trang của thằng lớn nhưng không đọc được gì. Nó để chế độ riêng tư
với bạn bè và nhất định không chịu kết bạn với anh. Anh rất muốn biết nó
có suy nghĩ gì về sự kiện này.
Hòm thư báo có hai tin nhắn. Cái thứ nhất của một đồng đội cũ: “Ông bao giờ về? Không định ở luôn bên ấy chứ?”.
Anh nhắn lại: “Cũng chưa biết”.
Tin nhắn thứ hai của con bé: “Bố không ăn được đồ Tây thì bảo anh đưa đến phố Tàu ăn đồ Việt nhé”. Con bé sinh năm hai ngàn, nó thuộc thế hệ ăn canh như súp chứ không chan vào cơm.
Anh trả lời: “He he. Bố chén được bít tết Mỹ mà”.
Ở giường
bên cạnh, thằng lớn đã ngáy khò khò. Chân vẫn đi giày, chìa ra khỏi
giường. Anh tháo giày cho nó. Tất chân bốc mùi hôi rình. Những lúc như
thế này, anh chỉ muốn đá cho nó một phát.
Bên ngoài trời đã tối muộn, tiếng gió ào ào. Gió ở đây mạnh, những tán cây vặn mình như gặp bão.
Anh có chuyện muốn nói với thằng lớn mà mãi chưa biết bắt đầu như thế nào.
Thằng lớn
đang mơ ngủ, đôi môi khẽ mỉm cười để lộ hàm răng trắng bóc. Trông nó ngủ
thật thư thái. Hai má ửng hồng, mướt lông tơ. Cứ mơ đi con trai, hãy mơ
những giấc mơ thật đẹp vào!
Tầm tuổi nó, anh ôm súng nằm hầm, chập chờn ngủ trong tiếng pháo xé rách từng mảng không gian, dù hiện hữu hay mơ hồ.
*
* *
Anh Cả tòng quân năm bảy tám.
Ngày anh
Cả đi, bố đưa anh Cả chiếc ba lô bạc màu mang từ chiến trường về. Anh Cả
bảo: “Con được phát ba lô mới cơ mà?”. Bố nói bằng giọng nghiêm nghị:
“Hãy tin rằng đây là chiếc ba lô may mắn, nghe lời bố, cứ dùng đi, biết
đâu đấy…”. Anh cả nghe lời, lén để chiếc ba lô mới ở lại, dùng chiếc ba
lô cũ của bố để lên đường. Anh lúc ấy mới chín tuổi, nhảy chân sáo xung
quanh anh Cả. Nắn tay, sờ chân, thấy anh mình đã thành người lớn. Mẹ vui
lắm, làm một bữa liên hoan ra trò. Bố nghỉ hẳn một ngày “công tác” ở
nhà tiếp hàng xóm. Ông rít thuốc lào liên tục.
Anh Cả đóng quân trên Lạng Sơn, đi một mạch không về thăm nhà lần nào.
Trời mùa
đông tối sớm. Sáu giờ chiều đã không rõ mặt người. Bố mới đi làm về,
đang chêm nước nóng cho ấm trà pha từ sáng. Tiếng loa truyền thanh mắc
trên cột điện nơi “công tác” của ông khọt khẹt một hồi rồi vang lên
giọng phát thanh viên: Xin đề nghị đồng bào cả nước đón nghe thông báo quan trọng sau ít phút nữa.
Tiếng loa bị cơn gió bấc cuốn đi, lúc gần lúc xa, xô đập vào những bức tường oà oà như tiếng ma vờn nhau.
Bố chụp lấy chiếc nạng, phăm phăm đi ra đầu ngõ, đứng hẳn dưới loa đợi nghe cho rõ.
Đúng sáu giờ ba mươi phút, tiếng phát thanh viên vang lên thông báo: Sáng sớm nay, một số điểm trên biên giới phía Bắc thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu đã bị tấn công bất ngờ…
|
Minh họa: Nguyễn Nghĩa Phương |
Cả xóm nháo nhác như chợ vỡ. Người nọ hỏi người kia có biết thêm tin tức gì không? Bao giờ cho trẻ con đi sơ tán?
Bố như đu trên chiếc nạng, phất phơ quay về nhà. Đầu bố cúi gập, tóc xoã tả tơi trong gió rét.
Bố kêu
mệt, lên giường đắp chăn. Mẹ đánh gió cho bố. Ngồi bên cạnh, mẹ cũng run
lên từng đợt như bị lạnh. Bên ngoài, lũ trẻ con chạy rầm rập, hò hét:
“Đánh nhau rồi bà con ơi”. Đối với trẻ con, chiến tranh giống như phim
xem trên vô tuyến.
Cả nhà
mong tin của anh Cả. Thỉnh thoảng mẹ hóng hớt chuyện ở đâu, về giục bố:
“Anh X, cậu Y ở xóm trên, vừa chạy được về đến nhà đấy. Ông qua hỏi xem
có biết gì không”.
Mỗi lần như thế, sau bữa tối bố lọc cọc chống nạng đi. Lúc về hỏi chỉ lắc đầu, không nói thêm một lời.
Nửa năm
sau có hai anh bộ đội tìm đến nhà. Lúc họ vào ngõ, bố đang cặm cụi đánh
săm vá xe nên không để ý. Thoáng thấy bóng áo xanh, ông đứng phắt dậy
đuổi theo quên cả nạng. Ông nhảy lò cò từng bước dài, miệng hổn hển:
“Các chú ơi… Các chú ơi”. Ống quần bên chân cụt xổ ra, vướng vào bụi
găng kéo ông ngã dúi dụi. Gai găng cào chảy cả máu mặt.
Hai anh bộ
đội trao cho bố một chiếc ba lô còn mới, bên trong có một bộ quần áo
cũng còn mới. Mẹ khóc tức tưởi: “Ối con ơi”. Bố không khóc nhưng mắt
nhắm nghiền, khuôn mặt co rúm lại.
*
* *
Hôm Trung
Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông, mẹ gọi anh vào trong buồng. Bà đưa
anh mớ tiền cất trong chiếc hộp bánh quy bằng sắt tây tróc sơn loang lổ,
nhờ: “Bố mày mua giúp bà ít vàng”. Anh đùa, hỏi: “Bà mua mấy cân?”. Mẹ
mắng: “Bố anh! Chỗ này chắc được hơn chỉ”. Anh bảo: “Bà tính tiền, tính
vàng còn nhanh lắm. Cái xâu nhẫn của bà giấu đâu rồi? Khéo lại chả
nhớ”. Mẹ cười, sờ sờ vào bụng bảo: “Bà giắt cạp quần rồi. Sợ lúc chạy
lại quên”. Anh cáu: “Chạy gì mà chạy. Bà cứ nghe linh tinh”. Mẹ nhìn ra
cửa sổ. Đôi mắt đục như cùi nhãn ngân ngấn nước.
Trước hôm anh sang Mỹ, bà hỏi: “Chuyện của thằng lớn, ý bố mày thế nào?”
Anh cầm
đôi tay già nua của bà, ngồi xuống bên cạnh, trấn an: “Mẹ cứ yên tâm,
con sẽ nói chuyện với nó”. Đầu anh cũng đang trăm mối tơ vò.
*
* *
Anh Hai đi bộ đội năm tám ba.
Trước ngày
nhập ngũ vài hôm, mẹ giục anh Hai ra phố chụp bức chân dung để ở nhà
nhìn cho đỡ nhớ. Hồi anh Cả đi mẹ cũng nói thế. Bức chân dung anh Cả giờ
nằm trên bàn thờ, ám khói hương ố vàng một góc.
Bố lại ngồi bên bàn nước tiếp khách. Tiếng điếu cày khoan nhặt.
Hết ba
tháng huấn luyện, anh Hai được về thăm nhà. Bộ quần áo được phát ngày
lên đường đã kịp ngả màu bạc phếch, ngấm đất đồi đỏ quạch.
Bố hỏi nơi
đóng quân của anh Hai rồi lần lần ngón tay trên tấm bản đồ dán trên
tường, lẩm bẩm: “Cũng gần biên giới!”. Anh Hai bảo: “Còn xa, cách mấy
chục cây.”
Ở nhà chơi năm hôm, anh Hai phải trở lại đơn vị. Mẹ làm cho mấy cân muối vừng xách theo, dặn: “Cho cả mấy anh em trên ấy!”.
Một ngày đầu hè năm tám tư,
cô giáo chủ nhiệm gọi anh xuống phòng giám hiệu rồi đưa cho anh bức
thư. Nét mực xanh ngoài phong bì là chữ của anh Hai. Quái lạ! Sao không
gửi về nhà như mọi khi mà gửi về trường làm gì!?
Chú Út!
Anh
đang trên đường sang Hà Tuyên, bên ấy lại đánh nhau. Anh viết vội mấy
dòng cho chú. Đừng nói gì kẻo bố mẹ lo. Bố dạo này yếu, nhắc bố đừng hút
nhiều thuốc lào nữa. Mẹ vẫn hay khóc thầm buổi đêm. Chú có biết không?
TB: Nếu anh cũng không về, chú thay các anh chăm sóc bố mẹ nhé.
Anh Hai.
Anh chạy
như bay vào lớp, bỏ bức thư vào cặp. Tim đập thình thình như trống trận.
Vẫn chưa yên tâm, anh gỡ tờ họa báo bọc vở, nhét bức thư vào giữa rồi
bọc lại. Anh sợ mấy đứa bạn biết, mở ra đọc rồi đến tai bố mẹ. Cả buổi
hôm ấy, anh nghe giảng mà chẳng hiểu gì.
Bố vẫn thường xuyên đọc Báo Quân đội Nhân dân.
Đặt tờ báo xuống, bố trầm ngâm tư lự. Báo đưa tin quân Trung Quốc pháo
kích và xâm lấn biên giới thuộc tỉnh Hà Tuyên. Anh nói bâng quơ: “Anh
Hai nhà mình bên Hoàng Liên Sơn bố nhỉ”. Bố không trả lời, nâng điếu cày
lên rít ư ử như tiếng mèo hen.
Mẹ thỉnh
thoảng lại hỏi: “Vẫn viết thư cho anh mày đấy chứ? Lâu lâu không nhận
được thư của anh”. Anh bảo: “Đơn vị đi khai hoang, trồng sắn trong rừng,
có phải dễ mà anh Hai gửi được thư đâu”.
Không còn bức thư nào của anh Hai gửi về nữa. Anh Hai hi sinh ngày mười hai tháng bảy năm tám tư trong trận chiến giành lại những điểm cao bị quân xâm lược chiếm đóng tại mặt trận Vị Xuyên.
Mấy tháng sau khi anh Hai hi sinh. Một chiếc xe u oát
biển quân sự đỗ xịch trước ngõ. Bố đang dở tay “công tác”, xiết lại ốc
trục sau cho chiếc xe đạp bị sang vành. Nhìn thấy hai người lính bước
xuống xe, ông hực lên một tiếng. Cánh tay tóp teo đầy gân xanh giật mạnh
cán cờ lê. Cái ốc bị quá lực, chờn ren lỏng toẹt.
Họ lại trao ba lô cho bố. Lần này thì đúng di vật của anh Hai, bên trong có cả những bức thư nhà được bó bằng sợi dây chun.
Bố ngồi
trên ghế. Hai bàn tay xoa vuốt chiếc ba lô lép kẹp đặt trên đùi. Đầu ông
cúi xuống, mắt nhắm hờ, thở khò khè nhọc nhằn. Giọng kể của người lính
đến trao di vật đều đều, buồn buồn như tiếng tụng kinh: “Trận đánh khốc
liệt quá chú ạ. Cậu ấy ở trung đội cửa mở. Pháo địch bắn rát quá chúng
cháu không lên được. Trung đội cửa mở đơn độc chiến đấu ở tuyến trên hy
sinh chẳng còn ai. Mấy đêm sau chúng cháu mò vào chuyển tử sĩ ra mà
không được”.
Bố nói khe khẽ: “Tôi hiểu!”.
Mẹ đi làm về, nhìn thấy cảnh ấy, chưa hỏi câu nào đã đổ sụp xuống, ngất lịm.
*
* *
Ký túc xá
của thằng lớn ở góc phố 27 cắt đại lộ 7, cách khách sạn anh đặt phòng
mười lăm phút đi bộ. Hôm sang, anh bảo: “Về khách sạn ở với bố”. Nó hỏi:
“Bố sang đây mấy hôm?”. Anh trả lời: “Khoảng một tháng, xong việc thì
về”. Nó than: “Trời! Bố ở lâu thế”.
Một tuần
trôi qua mà anh vẫn chưa biết bắt đầu câu chuyện ấy như thế nào. Cha
không hiểu con là câu chuyện muôn thuở của các thế hệ. Một bức tường vô
hình chắn giữa anh và nó. Anh đang loay hoay tìm cách trèo qua. Anh cần
hiểu nó hơn.
Gió vẫn
thổi ù ù qua khe cửa sổ. Lại thêm cả mưa. Hàng cây oằn mình run rẩy hắt
những đốm sáng từ ánh đèn khách sạn bằng những chiếc lá đẫm nước.
Thằng lớn
trở mình, quật tay làm rơi chiếc Ipad xuống nền nhà. Màn hình bật sáng, ô
cửa sổ chat của Facebook vẫn mở đang nhấp nháy. Tin nhắn của con gái
anh.
Con bé: “Hello! Thanh niên đáng chán đưa ông già âm lịch đi chơi những đâu?”
Thằng lớn: “Ha ha. Hôm nay bố đi có việc. Anh đi theo”.
Con bé: “Mua nhà à? Thấy bà bảo thế”.
Thằng lớn: “Chưa mua! Mới đang đi xem”.
Con bé: “Bảo bố mua nhà gần mấy phố shopping(3) ấy nhá”.
Thằng lớn: “Ở chỗ này em rủ được hươu nai đi shopping đấy”.
Con bé: “Khiếp! Gần rừng à? Em kinh sợ bọn muỗi”.
Thằng lớn: “Khu vực trung tâm đắt lắm. Ha ha…”
Con bé: “Mua cho em đôi da sơn(4) của Rick Owens(5), gửi bố mang về nhá”.
Con bé: “Ngủ gật à? Sao không thấy trả lời. Alo… Alo…”
Đặt chiếc
Ipad của thằng lớn lên bàn, anh ngồi úp mặt vào lòng bàn tay một lúc lâu
rồi mở cửa ra ban công hút thuốc. Mưa đã ngừng rơi. Cuối tháng năm mà
trời vẫn rét như mùa đông ở nhà. Gió hắt hơi lạnh từ dưới sông Hudson
lên làm anh rùng mình.
Cái rùng
mình khiến anh nhận ra mình là kẻ hèn nhát. Anh không dám đối mặt với
chính anh, chứ không phải chưa tìm ra cách nói chuyện với thằng lớn.
Cũng chẳng có bức tường nào cả, anh đang trốn chạy bản thân nên cố tin
rằng có một bức tường như vậy. Mặt anh nóng bừng vì xấu hổ.
*
* *
Năm tám bảy
anh cũng nhập ngũ. Bố mẹ anh chỉ biết chuyện này trước hai ngày lên
đường. Mẹ ngây ra như phỗng, khuôn mặt trắng bệch. Bố lặng lẽ vê bi
thuốc lào, chậm rãi nhét vào nõ điếu. Bàn tay ông rung rung bật lửa mấy
lần mới cháy.
Ngửa cổ nhả một đụm khói lên trời, bố hỏi: “Anh biết đơn vị nào lấy quân không?”
Anh trả lời: “Hình như 325, ở…”
Bố tiếp: “Tôi biết rồi. Bắc Giang”.
Đêm hôm
ấy, anh nghe thấy tiếng khóc ti tỉ của mẹ vọng ra. Tiếng bố rít qua kẽ
răng, nhỏ thôi nhưng kéo dài và uy lực: “Kệ… nó… ó… ó…”.
Hôm sau mẹ
dậy đi chợ từ sớm tinh mơ, chở về một bu gà. Mẹ làm gần chục mâm cơm.
Gặp ai quen cũng mời ăn cỗ chia tay thằng út đi bộ đội.
Mẹ lấy chiếc áo lụa đen ra mặc. Mẹ lại giục anh ra phố chụp ảnh.
Anh vùng
vằng: “Hết chiến tranh rồi. Sao mẹ phải làm thế?”. Mẹ thắp hương cho hai
anh, rồi nói: “Các anh con cũng nghĩ là hết chiến tranh. Giờ còn không
biết nằm ở đâu”.
Dứt lời,
như hoá dại, mẹ ngửa cổ thét lên một tiếng khóc dài. Bố ngồi bên bàn
nước, cầm cái chén ném xuống đất vỡ tan, quát: “Im … mồm…”. Mẹ lấy tay
bịt mồm mình, hức hức rồi rũ xuống như tàu lá chuối bị lửa táp.
Bố mệt, tiếp khách chỉ hút thuốc lá.
Chiến tranh chưa thật sự kết thúc. Đồng đội anh vẫn ngã xuống, còn anh may mắn trở về.
Năm chín mươi anh ra quân. Về nhà được một tháng thì bố mất.
Trước khi
mất bố gọi anh vào buồng. Cặp mắt trũng sâu của bố nhìn anh đờ đẫn, đôi
môi khô nẻ mấp máy, dặn: “Nhớ để bộ quần áo bố mang xuống cho anh Cả.
Đồng đội dành dụm gửi cho anh ấy đấy”.
Bố run rẩy
đưa bàn tay xương xẩu, móng tay két dầu mỡ, lần lần từ đầu đến chân
anh. Dường như ông muốn kiểm tra lại một lần nữa cơ thể anh lành lặn
không rồi mới yên tâm nhắm mắt.
Khi dọn tủ
chuẩn bị đồ dùng cá nhân cho bố theo về với hai anh, anh mới biết ông
được phong tặng ba lần danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ. Một vốc huân chương
ông cất trong chiếc hộp gỗ mốc meo. Chưa bao giờ thấy bố đeo huân chương
và kể về những câu chuyện này.
*
* *
Sáng sớm
hôm sau anh bảo thằng lớn: “Về New York! Đổi vé cho bố về sớm. Càng sớm
càng tốt”. Nó thủng thẳng: “Bỏ vụ xem nhà hả? Bố về đi chứ ở đây con
cũng chẳng biết làm gì với bố”. Anh vằn mắt định quạc cho một trận.
Nhưng nó nói có lý nên lại thôi.
Chuyện đổi ngày bay không gặp khó khăn vì hạng thương gia luôn có ghế trống.
Thằng lớn
mua cho con bé đôi giày. Anh lật thẻ bài xem giá, rống lên: “Chúng mày
chưa kiếm ra tiền mà tiêu thế này thì bẻ răng bố đi”. Thằng lớn cười
cười: “Răng bố còn chắc mà”.
Thằng lớn
vẫy chiếc taxi đang đỗ ngay gần khách sạn đưa anh ra sân bay. Lái xe lại
là ông lão hôm vừa rồi đi Terrytown. Nhìn thấy anh, ông ta nhận ra ngay
và liên tục nói: “Anh không giận tôi chứ?”. Anh cười, nhắc lại lời của
ông lão: “Chiến tranh mà!”.
Trên xe
hai bố con không nói với nhau câu nào. Anh lơ đãng nhìn chiếc mũ mềm đặt
trên táp lô, nhớ đến lời giải thích thua trận của ông lão và nghĩ đến
câu chuyện chưa nói được với con, lại nghĩ đến tấm áo đen mẹ anh mặc
trước hôm nhập ngũ. Bây giờ, ở hoàn cảnh này, anh mới hiểu mẹ đã phải
chịu đựng như thế nào. Mẹ sợ anh không về nên đã làm giỗ sống.
Trước khi
anh vào khu vực làm thủ tục xuất cảnh, thằng lớn ngập ngừng: “Bố! Con
biết bố muốn gì rồi. Con xin lỗi bố. Nếu tình huống xấu xảy ra, con sẽ
về nước nhập ngũ đấy”.
Anh quay
vội mặt đi, hoà nhanh vào dòng người mà không dám trả lời nó. Tiếng rít
qua kẽ răng của bố năm nào văng vẳng bên tai: “Kệ… nó… ó… ó.”
Viên an ninh cửa khẩu nhìn anh hỏi: “Ông bị bụi vào mắt à?”. Anh lắc đầu, cười.
Chiếc
Boeing 777 cất cánh từ sân bay JFK, lượn một vòng như chào New York. Anh
nhìn qua cửa sổ, bên dưới là những nóc nhà chọc trời ở khu Manhattan
(6), là những chiếc taxi màu vàng đi lại như mắc cửi. Dưới ấy có cả
thằng lớn. Chắc giờ này nó cũng về đến trường rồi!
Hà Nội, tháng 7/ 2014
DOÃN DŨNG
———
(1) Chuyện
Nguyên Phong: Chiến thắng của quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến
chống Nguyên Mông lần thứ nhất đã ghi dấu công lao của vua Trần Thái
Tông năm 1258 (hay năm Nguyên Phong thứ 7). Sau này vua Trần Nhân Tông
đã ghi lại dư âm chiến thắng của ông nội mình bằng bài thơ Xuân nhật yết
Chiêu Lăng, trong đó có câu:
Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong
Dịch:
Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên Phong
(2) Veteran - Vietnam War: Cựu binh chiến tranh Việt Nam.
(3) Shopping: Mua sắm.
(4) Giày
da sơn: Loại giày da được sơn một lớp khác màu ra ngoài. Sau một thời
gian sử dụng, lớp sơn bong tróc để lộ màu da thật. Sự bong tróc sơn một
cách tự nhiên khiến cho các đôi giày không giống nhau. Lớp trẻ trên thế
giới đang thịnh hành loại giày này.
(5) Rick
Owens: Sinh năm 1962, quốc tịch Mỹ, ông được cho là nhà thiết kế thời
trang tài năng với phong cách thiết kế phá vỡ các quy tắc thời trang.
(6) Manhattan: Quận trung tâm thành phố New York.
Nguồn: vannghequandoi.com.vn