Đây là thông tin được Đại diện cấp cao của EU về Đối ngoại và An ninh – bà Federica Mogherini đưa ra khi tới tham dự phiên họp Hội đồng các vấn đề đối ngoại EU diễn ra ở Brussels (Bỉ), ngày 18/2.
“Mục tiêu của các lệnh trừng phạt không phải nhằm duy trì mãi mãi, mà nhằm gây sức ép để vượt qua một tình huống. Chính vì thế, mục tiêu của các lệnh trừng phạt là nhằm bảo đảm rằng, một ngày nào đó, các biện pháp này sẽ được gỡ bỏ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa nhìn ra những bước đi tích cực và đó là lý do tại sao cho tới nay, các nước thành viên vẫn duy trì lập trường giữ vững các lệnh trừng phạt… Có thể trong vài tuần tới, chúng tôi sẽ tiến hành thảo luận trên cơ sở đồng thuận về các biện pháp trừng phạt mới… Một lần nữa, chúng tôi chỉ có thể hy vọng vào những diễn biến tích cực và luôn sẵn sàng xem xét lại vấn đề này. Song ở thời điểm hiện tại thì chúng tôi lại được chứng kiến những diễn biến bất lợi đang diễn ra trên thực tế” – bà Mogherini nói.
Một số nguồn tin khác tại châu Âu cho biết, EU đang có kế hoạch liệt 8 cá nhân vào bản danh sách đen trừng phạt liên quan tới vụ đụng độ trên eo biển Kerch hồi cuối tháng 11/2018. Tuy nhiên, cách đây ít lâu, Ngoại trưởng Slovakia (nước hiện giữ vai trò Chủ tịch luân phiên Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu - OSCE) – ông Miroslav Lajcak lại xác nhận rằng, các lệnh trừng phạt mới chỉ nhằm mục tiêu vào “một số cá nhân”.
Trước bối cảnh trên, trong một tuyên bố đưa ra ngày 18/2, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky đã cáo buộc Mỹ đứng đằng sau quyết định của EU nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Nga liên quan tới sự cố trên eo biển Kerch hồi năm ngoái.
Phát biểu với báo giới, ông Slutsky nhấn mạnh, “sự đồng thuận chính trị” của các nước EU về các biện pháp trừng phạt mới chống Nga rõ ràng chịu sức ép từ phía Mỹ. Ông Slutsky cho rằng, không còn gì nghi ngờ chính Washington đứng sau vụ khiêu khích ở eo biển Kerch hồi năm ngoái và điều đáng nói là EU lại hành động theo hướng bất chấp những nguyên tắc thông thường, một lần nữa tiến hành chính sách phụ thuộc và bị tầm ảnh hưởng của Mỹ chi phối. “Cuối cùng thì Brussels đã hy sinh những lợi ích riêng vì mối quan hệ phụ thuộc giữa châu Âu – Đại Tây Dương. Cuộc đấu tranh trong nội khối EU nhằm tuân thủ nguyên tắc của luật pháp quốc tế một lần nữa lại thất bại, trong khi những tiêu chuẩn kép và cách tiếp cận chống lại Nga đã thắng thế” – ông Slutsky nói.
Ngày 18/2, hãng thông tấn Interfax dẫn số liệu thống kê từ Bộ phát triển Kinh tế LB Nga cho thấy, tính đến cuối năm 2018, đã có 62 quốc gia trên thế giới áp đặt tổng cộng 159 biện pháp cấm vận kinh tế đối với hàng hóa Nga, khiến lĩnh vực xuất khẩu của nước này bị thiệt hại tới 6,3 tỷ USD. Trong đó, cùng với việc áp đặt 25 lệnh trừng phạt, EU đang đứng đầu danh sách những nước áp dụng nhiều nhất các biện pháp hạn chế sản phẩm xuất xứ từ Nga. Các biện pháp trừng phạt của EU đã gây thiệt hại lớn nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Nga, với hơn 2,4 tỷ USD.
Thống kê của Bộ phát triển Kinh tế LB Nga cũng chỉ ra rằng, dù Mỹ chỉ áp đặt 9 lệnh trừng phạt ảnh hưởng tới lĩnh vực xuất khẩu của Nga song cũng khiến các doanh nghiệp Nga bị thiệt hại kinh tế nặng nề, với con số ước tính lên tới 1,1 tỷ USD.