Các
Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) – một trung tâm du lịch quốc tế
lớn đã yêu cầu các máy bay Boeing 737 Max 8 và 9 không ra khỏi không
phận nước này. Thông báo trên được Tổng cục Hàng không Dân dụng UAE đưa
ra tối 12/3. Cơ quan này đã trích dẫn những điểm tương đồng giữa chuyến
bay gặp nạn của hãng hàng không Ethiopian Airlines hôm 10/3 và chuyến
bay gặp nạn của hãng Lion Air của Indonesia vào năm ngoái để lý giải cho
quyết định cấm bay của mình. Hãng hàng không FlyDubai do chính quyền
Dubai quản lý hiện đang sử dụng 11 máy bay Boeing 737 Max 8 và 2 chiếc
Boeing 737 Max 9. Hãng này cho biết sẽ điều chỉnh lịch trình các chuyến
bay để giảm thiểu ảnh hưởng đối với hành khách.
Ngày
12/3, New Zealand và Fiji cũng đưa ra quyết định tương tự đối với các
chuyến bay sử dụng máy bay Boeing 737 Max 8 ở không phận hai nước. Quyết
định này chỉ làm ảnh hưởng đến hoạt động của một hãng hàng không là
Fiji Airways, trong khi không có hãng hàng không New Zealand nào sử dụng
máy bay Max 8. Hãng hàng không Fiji Airways đang vận hành loại máy bay
Boeing 737 MAX trên không phận New Zealand.
Cùng
ngày, Anh, Pháp, Đức cũng gia nhập nhóm các nước tuyên bố ngừng bay đối
với dòng máy bay đời mới của Boeing liên quan đến thảm họa máy bay vừa
xảy ra ở Ethiopia.
Các hãng hàng
không Thổ Nhĩ Kỳ, Oman, Norwegian Air Shuttle (Na Uy), Eastar Jet (Hàn
Quốc) nằm trong số những hãng gần đây nhất sử dụng phiên bản dòng máy
bay hiện đại nói trên của Boeing. Ireland, Hà Lan, Malaysia, Australia
và Singapore cũng đã cấm tất cả các chuyến bay của máy bay Boeing 737
MAX ra vào không phận của họ.
Cơ
quan hàng không dân dụng Italy cũng thông báo nước này sẽ đóng cửa không
phận đối với các máy bay Boeing 737 Max 8 kể từ tối 12/3.
Trong
khi đó, một số quốc gia Nam Mỹ cũng tuyên bố đang đánh giá tình hình
trước khi đưa ra quyết định đóng cửa không phận đối với phiên bản máy
bay 737 MAX của Boeing.
Còn Cơ quan
Hàng không Liên bang Mỹ tuyên bố không đình chỉ hoạt động của máy bay
737 MAX, cho rằng chưa có cơ sở chính xác để đưa ra quyết định trên./.