Số
liệu này đã có sự thay đổi so với số liệu do chính NEC công bố vào ngày
29 và 30/7 trước đó. NEC cũng thông báo, các đảng tham gia tranh cử có
quyền khiếu nại một phần hoặc toàn bộ kết quả tạm thời này trong thời
gian không quá 72 giờ kể từ 7h00' (giờ địa phương) ngày 11/8, thời điểm
NEC công bố kết quả tạm thời.
Cuộc
bầu cử lần này có 20 đảng tham gia. Theo lịch trình, trong trường hợp
không có khiếu kiện nào buộc phải tổ chức bầu cử lại, NEC sẽ công bố kết
quả chính thức vào ngày 15/8.
Mỹ tuyên bố áp đặt trừng phạt Nga vì vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal
Ngày
8/8, Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt các trừng phạt mới nhằm vào Nga sau khi
Washington kết luận rằng Moskva đã sử dụng chất độc thần kinh để đầu độc
cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái của ông này tại Anh. Dự kiến,
những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga sẽ có hiệu lực từ
ngày 22/8/2018.
Phản ứng lại quyết
định của Mỹ, ngày 9/8, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã chỉ
trích các lệnh trừng phạt mới do Mỹ áp đặt và cho rằng động thái của Mỹ
đi ngược lại bầu không khí mang tính xây dựng trong cuộc gặp thượng
đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump
tại Phần Lan hồi tháng 7, song Moskva vẫn tiếp tục hy vọng về một sự cải
thiện trong quan hệ song phương.
Trước
đó vào tháng 3/2018, Sergei Skripal, cựu Đại tá thuộc Cơ quan Tình báo
quân đội Nga (GRU), cùng với con gái là Yulia, 33 tuổi, đã được tìm thấy
nằm bất tỉnh trên một ghế băng ở thành phố Salisbury, miền Nam nước
Anh. Cả hai người này được xác định bị đầu độc bằng chất độc thần kinh
Novichok và đến nay đều đã bình phục. Mặc dù chưa có kết luận điều tra
quốc tế và hai cha con ông Skripal không đưa ra tuyên bố nào, nhưng Anh
vẫn cho rằng chất độc Novichok được sản xuất tại Nga và cáo buộc Moskva
đứng sau vụ việc, đồng thời kêu gọi các đồng minh phương Tây trục xuất
hàng trăm nhà ngoại giao Nga. Những cáo buộc này đã khiến quan hệ giữa
Nga với Anh và nhiều nước phương Tây trở nên căng thẳng. Cho đến nay,
Nga bác bỏ mọi cáo buộc và cũng trục xuất số nhân viên ngoại giao tương
đương thuộc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp
ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Gia tăng căng thẳng ngoại giao giữa Canada và Saudi Arabia
Tuần
qua, quan hệ giữa Canada và Saudi Arabia đã trở nên căng thẳng bởi
những tranh cãi ngoại giao và đe dọa trả đũa kinh tế lẫn nhau. Những
căng thẳng bắt đầu nổ ra sau khi Bộ Ngoại giao Canada và Đại sứ quán
Canada tại Saudi Arabia hối thúc Saudi Arabia “trả tự do ngay lập tức”
cho một số nhân vật bị bắt giữ trong chiến dịch truy quét mới đây tại
“vương quốc dầu mỏ” này.
Phản ứng
trước động thái của Canada, Saudia Arabia đã khẳng định không chấp nhận
sự can thiệp vào công việc nội bộ từ bên ngoài. Nước này đã triệu hồi
Đại sứ của mình tại Ottawa và tuyên bố trục xuất Đại sứ Canada. Saudia
Arabia cũng đóng băng mọi giao dịch mới về thương mại và đầu tư với
Canada, ngừng một số chuyến bay giữa hai nước, rút toàn bộ du học sinh
về nước và dừng mọi chương trình điều trị bệnh nhân của mình tại “xứ sở
cây phong”…
Nhằm xoa dịu căng thẳng
với Saudia Arabia, chính quyền Canada được cho là đang nỗ lực đề nghị
các nước đồng minh trong khu vực hỗ trợ. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế
vẫn nghi ngại về khả năng có những tác động tiêu cực từ mối quan hệ này.
Mặc dù quyết định “đóng băng” quan hệ thương mại của Saudi Arabia với
Canada được cho là không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Canada khi kim
ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước chỉ khoảng hơn 3 tỷ USD vào năm
2017 và Saudi Arabia chỉ chiếm 0,24% xuất khẩu của Canada trong năm
2016. Tuy nhiên, ở khía cạnh kinh tế, Saudi Arabia quyết định hủy hợp
đồng mua các xe bọc thép hạng nhẹ ký năm 2014 với Canada, thì hàng nghìn
việc làm ở Canada sẽ có nguy cơ bị mất.
Do
đó, nếu căng thẳng không được hạ nhiệt sẽ tác động tiêu cực tới môi
trường đầu tư, ảnh hưởng lợi ích của các doanh nghiệp và người dân hai
nước.
Toàn thế giới đối mặt với đợt nắng nóng cao điểm
Một
đợt nắng nóng cao điểm đang lan truyền khắp châu Âu những ngày qua với
nhiệt độ lên tới gần 46 độ C ở Bồ Đào Nha gây ra những đám cháy rừng lan
rộng, trong khi tại Hà Lan nhựa đường đã bị tan chảy, và ở Áo chó
nghiệp vụ của cảnh sát phải mang giày để tự bảo vệ khi đi tuần tra trên
đường… Còn tại Tây Ban Nha, nắng nóng bất thường đã khiến 9 người thiệt
mạng.
Không chỉ châu Âu mà nhiều
nước châu Mỹ, châu Á cũng phải đối mặt với tình trạng nắng nóng kỷ lục,
kéo dài suốt nhiều tuần đang làm đảo lộn cuộc sống của mọi người dân,
ảnh hưởng tới sản xuất, đe dọa nền kinh tế, an ninh... Số ca tử vong do
nắng nóng ngày một tăng cùng những hậu quả tàn khốc do nhiệt độ tăng cao
gây ra trên mọi lĩnh vực, đang trở thành những thông tin gây nhức nhối.
Theo đánh giá của Tổ chức Khí
tượng thế giới (WMO), xét trên quy mô toàn cầu, tháng 6 vừa qua là tháng
nóng thứ hai trong lịch sử, và mức nhiệt chỉ tính trong 7 tháng đầu năm
nay đã khiến 2018 trở thành năm nóng nhất từ trước tới nay. Giới khoa
học cũng cảnh báo thời tiết cực đoan như hiện nay là xu hướng chung
trong dài hạn chứ không chỉ xảy ra trong một năm cụ thể nào. Trước hiện
tượng thời tiết khắc nghiệt trên, các nhà khoa học cho rằng đây là một
hồi chuông cảnh báo nữa về hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Thất
bại trong việc cắt giảm lượng khí thải chắc chắn đồng nghĩa với việc
những thảm họa thiên tai sẽ trở nên phổ biến hơn.
Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng căng thẳng
Ngày
11/8, Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch bắt
đầu sử dụng đồng tiền Lira thay vì USD trong giao dịch thương mại với
các đối tác thương mại chủ chốt của nước này, trong đó có Nga, Trung
Quốc, Iran và Ukraine.
Tuyên bố
trên được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho phép
tăng gấp đôi thuế nhôm thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, tức 50% đối với
thép và 20% đối với nhôm. Phản ứng với động thái này, đồng Lira của Thổ
Nhĩ Kỳ đã mất 20% giá trị so với đồng USD, xuống mức thấp kỷ lục. Ông
Erdogan đồng thời khẳng định sẵn sàng sử dụng đồng euro trong giao dịch
với các nước châu Âu nếu những nước này sẵn sàng.
Trong
một động thái khác cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Binali
Yildirim cho rằng quan điểm thù địch của Mỹ đối với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là
không chính đáng. Còn một đại diện của Tổng thống Erdogan cảnh báo Mỹ
có nguy cơ mất đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan
hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng sau vụ mục sư người Mỹ Andrew
Brunson bị chính quyền Ankara bắt giữ do nghi ngờ có quan hệ với một
nhóm mà chính quyền Ankara cho là khủng bố.
Trước
đó, ông Erdogan cũng tuyên bố Ankara có thể tìm kiếm những người bạn và
đồng minh mới nếu nước này không thấy thêm sự tôn trọng và có đi có lại
nào trong quan hệ song phương với Mỹ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh
các hành động đơn phương của Mỹ chống lại Ankara sẽ "chỉ góp phần làm
suy yếu lợi ích và an ninh của Mỹ".
Hạm đội Thái Bình Dương của Nga tập trận tại biển Nhật Bản
Ngày
11/8, 3 tàu mang tên lửa thuộc lữ đoàn bảo vệ vùng biển quanh căn cứ
chính của Hạm đội Thái Bình Dương Nga đã tiến hành một cuộc tập trận tại
biển Nhật Bản.
Trong cuộc diễn
tập, các tàu Nga đã tấn công một nhóm tàu chiến của kẻ thù giả định. Các
tàu tham gia đã luyện tập toàn bộ thuật toán của những hành động được
sử dụng trong một cuộc tấn công, ngoại trừ việc phóng tên lửa. Cuộc tập
trận cũng bao gồm các nội dung huấn luyện như đẩy lùi các cuộc tấn công
từ trên không, cung cấp hỗ trợ cho tàu gặp nạn, tiếp nhận và chuyển
nhiên liệu cùng hàng hóa khi tàu đang di chuyển.
TASS
dẫn lời người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương, ông Nikolai
Voskresensky cho biết: "Cuộc tập trận là một phần trong nhóm tác chiến
nhằm tổ chức một cuộc tấn công tên lửa chung nhằm vào một mục tiêu trên
biển".
Xung đột tiếp tục bùng phát tại Gaza gây thương vong lớn
Ngày
10/8, 2 người Palestine đã thiệt mạng và 242 người khác bị thương trong
các cuộc biểu tình và xung đột giữa người biểu tình Palestine và binh
sỹ Israel tại miền Đông Dải Gaza (Ga-da) gần biên giới Israel.
Hãng
tin Tân Hoa xã dẫn lời một người phát ngôn Bộ Y tế Gaza cho biết, hai
người Palestine bị thiệt mạng tại phía Đông thị trấn Rafah ở dải Gaza.
Trong số những người bị thương có trẻ em, phóng viên và nhân viên y tế.
Các
cuộc biểu tình và xung đột bùng phát giữa hàng trăm người biểu tình
Palestine và các binh sỹ Israel đóng quân tại biên giới giữa miền Đông
Dải Gaza và Israel đã biến thành bạo lực vào ngày 10/8 bất chấp Israel
và các nhóm phiến quân do Hamas đứng đầu ở Gaza đã đạt được một thỏa
thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt tình trạng leo thang xung đột giữa hai bên
trong những ngày qua. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông Israel
đưa tin nước này bác bỏ đạt được một thỏa thuận như vậy với Hamas. Trước
đó, tối 9/8, nội các an ninh Israel tuyên bố sẽ "tiếp tục hành động
mạnh tay đối với các phần tử khủng bố”.
Các
động thái trên diễn ra trong bối cảnh từ đêm 8/8 quân đội Israel đã
không kích hơn 150 vị trí của Hamas tại Gaza, trong đó có các cơ sở chế
tạo vũ khí. Nguồn tin y tế tại Gaza cho biết 3 người đã thiệt mạng trong
các cuộc không kích này, trong đó có 1 phụ nữ mang thai cùng con gái 1
tuổi và 1 tay súng Hamas. Quân đội Israel tuyên bố tiến hành các cuộc
không kích này để đáp trả các vụ bắn rocket của Hamas vào lãnh thổ
Israel. Quân đội Israel cho biết các tay súng Hamas đã phóng hơn 100 quả
rocket vào Israel, khiến ít nhất 20 người bị thương.
Căng
thẳng đã leo thang dọc biên giới giữa Israel và Dải Gaza do Phong trào
Hồi giáo Hamas của Palestine kiểm soát, sau nhiều tuần người Palestine
biểu tình dọc biên giới từ ngày 30/3 nhằm đòi quyền hồi hương cho
người tị nạn Palestine sau khi Mỹ chuyển đại sứ quán tại Israel
từ Tel Aviv đến Jerusalem.
Trước
những diễn biến trên, Liên minh châu Âu cảnh báo, Israel và Gaza tiến
gần tới một cuộc xung đột nguy hiểm mới đồng thời cho rằng các bên cần
giảm căng thẳng gấp để không gây nguy hiểm cho tính mạng dân thường.
Theo
Bộ Y tế Gaza, kể từ ngày 30/3, 160 người biểu tình Palestine đã bị
thiệt mạng và hơn 17.000 người khác bị thương trong các vụ xung đột với
binh sỹ Israel tại Gaza.
Các hãng ô tô Suzuki, Mazda, Yamaha của Nhật Bản thừa nhận giả mạo dữ liệu khí phát thải
Bộ
Giao thông Nhật Bản ngày 9/8 thông báo 3 hãng sản xuất ô tô của nước
này là Suzuki Motor, Mazda và Yamaha đã thừa nhận giả mạo dữ liệu về
phát thải khí đối với một số xe. Đây là diễn biến mới nhất trong vụ bê
bối chất lượng sản phẩm của các hãng sản xuất ô tô Nhật Bản.
Tháng
trước, Bộ Giao thông Nhật Bản yêu cầu 23 công ty sản xuất ô tô và mô tô
của nước này tiến hành các cuộc điều tra nội bộ, sau khi 2 hãng Nissan
và Subaru bị phát hiện gian lận thông số về tiết kiệm nhiên liệu và phát
thải khí trong quy trình kiểm tra sản phẩm lần cuối.
Thông
báo của bộ trên cho biết cả 3 hãng Suzuki, Mazda và Yamaha đã thực hiện
không đúng quy định về kiểm tra đối với một số xe, theo đó các kiểm tra
về phát thải khí chưa hoàn chỉnh nhưng giới chức công ty vẫn chứng nhận
kết quả đã hoàn thành kiểm tra.
Suzuki
thừa nhận đã thực hiện kiểm tra không đúng quy định đối với 6.401 xe.
Con số này chiếm gần một nửa trong tổng số 13.000 xe sản xuất từ tháng
6/2012 đến tháng 7/2018 của hãng được chọn điều tra. Đối với Mazda, số
xe kiểm tra không đúng quy định là 72 xe kể từ tháng 11/2014, chiếm gần
4%. Đối với Yamaha, số xe không đúng quy định chiếm 2,1% trong số 335 xe
được chọn điều tra.
Bộ Giao thông
Nhật Bản cho biết sẽ kiểm chứng các thông báo của 3 công ty trên và đưa
ra các biện pháp xử lý nghiêm ngặt nếu cần thiết.
Bộ
này cũng cho biết thêm đa số các công ty còn lại được yêu cầu kiểm tra
thông số xe đã thông báo không có hành vi khuất tất nào. Trong khi đó,
một số công ty khác vẫn đang tiếp tục tiến hành điều tra.
Những
tuyên bố thừa nhận sai sót của Suzuki, Mazda và Yamaha là diễn biến mới
trong một chuỗi bê bối làm giả dữ liệu và sai phạm về kiểm tra sản phẩm
của các hãng sản xuất ô tô vốn là ngành chủ lực của Nhật Bản.
Hồi
tháng 7 vừa qua, Nissan thừa nhận đã sửa thông số phát thải khí và tiết
kiệm nhiên liệu đối với một số xe của hãng. Trước đó, vào năm ngoái,
hãng này cũng đã buộc phải thu hồi hơn 1 triệu xe sau khi thừa nhận các
nhân viên không có thẩm quyền phù hợp đã tiến hành một số cuộc kiểm tra
xe./.