An ninh Biển Đông chi phối Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN
|
Các Bộ trưởng, Trưởng đoàn quốc phòng chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN) |
Chiều 18/11, Hội nghị Bộ trưởng Quốc
phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 6 với chủ đề "An ninh bền vững" đã
diễn ra tại Bangkok, Thái Lan.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.
Các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết
hướng đến hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực, thông qua việc tôn
trọng các nguyên tắc luật pháp quốc tế, ứng phó trên tinh thần tập thể
và mang tính xây dựng đối với những diễn biến toàn cầu và các vấn đề an
ninh. Trao đổi về các thách thức an ninh biển, trong đó có tình hình
Biển Đông, các Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa
bình và ổn định ở Biển Đông đối với an ninh khu vực và thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Ngô
Xuân Lịch nhận định, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng
chính, trong đó các cơ chế hợp tác an ninh khu vực do ASEAN dẫn dắt ngày
càng phát huy hiệu quả, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định
cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Chủ trương nhất quán của
Việt Nam là giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên
cơ sở luật pháp quốc tế; các bên tránh có những hành động làm phức tạp
tình hình, hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển
Đông (COC) thực chất và hiệu quả.
Mỹ đề cập khả năng ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc
|
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien. (Ảnh: Anadolu) |
Cố
vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien ngày 23/11 tuyên bố, thỏa thuận
thương mại giai đoạn một với Trung Quốc vẫn khả thi trước cuối năm nay.Phát
biểu với phóng viên tại một hội nghị an ninh diễn ra ở thành phố
Halifax thuộc tỉnh Nova Scotia của Canada, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ
nêu rõ: "Chúng tôi hy vọng hoàn tất thỏa thuận (giai đoạn một) trước
cuối năm nay. Tôi nghĩ điều đó vẫn khả thi".
Ngày
22/11, trong cuộc trả lời phỏng vấn Fox News, Tổng thống Mỹ Donald
Trump đã tuyên bố các quan chức đàm phán thương mại hai nước đang tiến
gần hơn tới một thỏa thuận, nhưng bản thân ông không nóng lòng hoàn tất
một thỏa thuận với Bắc Kinh.
Cũng
theo nhà lãnh đạo Mỹ, nguồn thu từ thuế áp bổ sung đối với hàng hóa nhập
khẩu từ Trung Quốc là "của trời cho", mặc dù nhiều chuyên gia lại cho
rằng nguồn thu này đang gia tăng gánh nặng cho nền kinh tế số một thế
giới.
Về phía Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây cũng khẳng định Bắc
Kinh mong muốn hợp tác với Washington để đạt được thỏa thuận
thương mại “giai đoạn 1”, dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng
lẫn nhau. Trung Quốc giữ một “thái độ tích cực” trong các vòng
đàm phán thương mại với Mỹ, song sẽ “chiến đấu” để có được
những điều khoản tốt nhất.
Cuộc đua vào vị trí Tổng thống Mỹ 2020 bắt đầu “nóng”
|
Tỷ phú Michael Bloomberg. (Ảnh:Reuters) |
Cựu Thị trưởng New York, tỷ phú truyền thông Michael Bloomberg đã
hoàn tất tiến trình nộp đơn đăng ký tranh cử Tổng thống Mỹ, để ngỏ khả
năng sẽ dấn thân vào cuộc chạy đua trở thành ông chủ Nhà Trắng năm 2020.
Ủy ban bầu cử Liên bang Mỹ đã phê chuẩn đơn đăng ký để ông Bloomberg
có thể tham gia cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ tại bang Alabama,
trong dịp bầu cử được gọi là "Siêu thứ Ba" vào tháng 3 năm sau.
Nếu vị tỷ phú này giành được vị trí ứng cử viên tổng thống của đảng
Dân chủ trong cuộc bầu cử năm tới thì đây sẽ là cuộc chạy đua thú vị
giữa ông với đương kim Tổng thống Donald Trump - người cũng là một tỷ
phú danh tiếng xuất thân từ New York.
Ngày 22/11, một thông tin quan trọng cho cuộc bầu cử Tổng thống vào
năm tới đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố. Đó chính là việc
người đồng hành với ông trong cuộc đua sắp tới không có gì thay đổi, vẫn
sẽ là Phó Tổng thống Mike Pence.
Mỹ đảo ngược chính sách về khu Bờ Tây
|
Khu định cư người Do Thái ở Bờ Tây do Israel xây dựng. (Ảnh: AFP) |
Ngày 18/11, Ngoại trưởng Mỹ Mike
Pompeo thông báo, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng mọi khía cạnh pháp
lý của tranh chấp, Mỹ đã đi tới kết luận rằng, việc Israel
thành lập các khu tái định cư ở Bờ Tây không trái với luật
pháp quốc tế.
Phát biểu tại phiên họp của Hội
đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 20/11, Điều phối viên đặc biệt
của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Nickolay
Mladenov đã bày tỏ sự quan ngại mạnh mẽ trước việc Mỹ mới có
động thái đảo ngược chính sách theo đuổi suốt hơn 40 năm qua
khi cho rằng việc Israel dựng các khu tái định cư ở Bờ Tây là
không trái phép.
Nhiều đại diện các nước tham dự
phiên họp, gồm cả các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Nga và
Trung Quốc… cũng lên tiếng chỉ trích quyết định mới nhất của
Mỹ, đồng thời lo ngại sự đảo ngược chính sách của Mỹ đối với vấn đề
sẽ chỉ làm phức tạp thêm tình hình, làm chậm lại tiến trình hòa bình
Trung Đông với giải pháp 2 nhà nước.
Giới quan sát cảnh báo, quyết sách
mới nhất của Mỹ liên quan tới các khu tái định cư của Israel
tại khu vực Bờ Tây có nguy cơ sẽ khoét sâu thêm mối thâm thù
kéo dài hàng thập kỷ giữa người Israel và Palestine, từ đó
đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông vốn đã đi vào ngõ cụt nay
lại càng thêm bế tắc.
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo nối lại chiến dịch quân sự tại Syria
|
Xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra tại thị trấn
Darbasiyah thuộc tỉnh Hasakeh, Đông Bắc Syria, ngày 1/11/2019.
(Ảnh: AFP) |
Ngày 18/11, hãng thông tấn quốc gia
Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời Ngoại trưởng nước này Mevlut
Cavusoglu cảnh báo về kịch bản Ankara sẽ triển khai một chiến
dịch quân sự mới ở miền Đông Bắc Syria nếu như sự hiện diện
của lực lượng mà ông gọi là “khủng bố” tại khu vực này chưa
kết thúc.
Theo quan điểm của ông Cavusoglu thì
hiện Nga và Mỹ vẫn chưa thực hiện những biện pháp cần thiết
trong khuôn khổ các thỏa thuận đã đạt được giúp chấm dứt
chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Các đơn vị bảo
vệ Nhân dân người Kurd (YPG) tại miền Đông Bắc Syria hồi tháng
trước.
Ông Cavusoglu kêu gọi Nga và Mỹ cần
thực hiện những biện pháp cần thiết trong các thỏa thuận đạt
được. Nếu không đạt được kết quả mong muốn, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ
phải đưa ra những hành động cần thiết.
Ngày 9/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát
động chiến dịch tấn công quân sự mang tên “Mùa xuân Hòa bình”
vào miền Bắc Syria. Đến ngày 22/10, chiến dịch quân sự của Thổ
Nhĩ Kỳ tại Syria đã chấm dứt sau khi Tổng thống Recep Tayyip
Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đạt thỏa thuận lịch sử
về việc rút lực lượng người Kurd khỏi khu vực biên giới và
tiến hành các hoạt động tuần tra chung.
Thái Lan chào đón Giáo hoàng Francis
|
Đức Tăng thống Phật giáo Thái Lan đón tiếp thân mật Giáo hoàng Francis. (Ảnh: Thaipbsworld) |
Giáo hoàng Francis đã đến Thái Lan ngày 20/11 trong chuyến thăm 4 ngày tới quốc gia Đông Nam Á này.
Chuyến thăm của Giáo hoàng Francis đánh
dấu kỷ niệm 350 năm thành lập nhà thờ Công giáo đầu tiên ở Thái Lan và
đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Giáo hội Cơ đốc giáo La
Mã đến Thái Lan trong 35 năm qua, sau chuyến thăm của Giáo hoàng St John
Paul II năm 1984.
Sáng 21/11, Thủ tướng Thái Lan Prayut
Chan-o-cha đã đóp tiếp Giáo hoàng Francis tại Tòa nhà Chính phủ với nghi
thức thảm đỏ và có sự tham dự của các quan chức hàng đầu của nước này.
Phát biểu trước các đại diện tổ chức dân
sự, các quan chức và các nhà ngoại giao, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh
việc ông thăm Đức Tăng thống Phật giáo Thái Lan cho thấy "tầm quan trọng
và sự cấp bách của việc thúc đẩy tình hữu nghị và đối thoại giữa các
tôn giáo".
Để đảm bảo an ninh cho chuyến thăm của
Giáo hoàng, Thái Lan đã huy động 6.500 cảnh sát triển khai ở Bangkok và
tỉnh Nakhon Pathom. An ninh được thắt chặt vào ngày 21 - 22/11 khi Giáo
hoàng đến thăm 7 địa điểm ở Bangkok và 1 địa điểm ở tỉnh Nakhon
Pathom./.
Nguồn: http://cpv.org.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-tuan-qua-khang-dinh-tam-quan-trong-cua-viec-duy-tri-hoa-binh-va-on-dinh-o-bien-dong-543407.html