Dư luận khu vực và quốc tế đánh giá cao vai trò và đặt kỳ vọng lớn vào Việt Nam
|
Đoàn Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ với số phiếu cao gần tuyệt đối 192/193 phiếu. (Ảnh: TTXVN)
|
Dư luận khu vực và quốc tế đánh giá cao
vai trò và đặt kỳ vọng lớn vào Việt Nam khi đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN
năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
(LHQ), nhiệm kỳ 2020 - 2021; đồng thời tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành
xuất sắc "nhiệm vụ kép" tại ASEAN và LHQ trong năm 2020.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020,
Việt Nam đã chọn chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” và 5 ưu
tiên: Phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy
trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; Thúc đẩy liên kết và kết nối
khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách
mạng công nghiệp 4.0; Thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; Đẩy
mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; Nâng cao năng
lực thích ứng, hiệu quả hoạt động của ASEAN.
Với vai trò Ủy viên không thường trực
Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỷ 2020 - 2021, Việt Nam sẽ đưa ra 7 ưu tiên:
Ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình các tranh
chấp theo Điều 6 Hiến chương Liên hợp quốc; Cải tiến cách thức làm việc
của Hội đồng Bảo an, tăng cường hợp tác giữa Hội đồng Bảo an và các tổ
chức khu vực theo Điều 8 Hiến chương Liên hợp quốc; Vấn đề nhân đạo, bảo
vệ thường dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống người
dân tại các nơi xung đột; Phụ nữ, hòa bình, an ninh và trẻ em trong xung
đột vũ trang; Khắc phục hậu quả xung đột (gồm hiểm họa bom mìn còn sót
lại sau xung đột); Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; Tác động
của biến đổi khí hậu tới hòa bình và an ninh.
Trang mạng của Trung tâm nghiên cứu
Wilson (Mỹ) đăng bài viết khẳng định, việc Việt Nam cùng lúc nắm giữ hai
vị trí là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an
LHQ cho thấy, năm 2020 sẽ là một năm quan trọng để Việt Nam thể hiện vai
trò, đóng góp tích cực vào các công việc chung của khu vực và quốc tế.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ðông - Nam Á
(Singapore) Choi Shing Kwok khẳng định, việc đảm nhận vị trí Ủy viên
không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ đem lại cho Việt Nam cơ hội thể
hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu và điều này có lợi cho ASEAN. Lập trường
và vai trò trung tâm của ASEAN sẽ được thể hiện trên trường quốc tế.
Trong bài viết có tựa đề "Việt Nam dồn
toàn lực tiến tới tương lai", tờ Bưu điện Bangkok của Thái Lan khẳng
định, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã sẵn sàng để thể hiện vai trò
quốc tế.
Lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố sẽ phát triển một loại "vũ khí chiến lược mới"
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thông báo nước này sẽ phô diễn một "vũ khí chiến lược mới" trong tương lai gần. (Ảnh: AFP)
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un,
ngày 1/1 tuyên bố sẽ từ bỏ giao ước đã theo đuổi trong vòng 2 năm qua về
ngừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đồng thời đề cập tới khả năng
Triều Tiên sẽ sớm phát triển một loại “vũ khí chiến lược mới”.
Phát biểu tại hội nghị toàn thể Ban chấp
hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên kéo dài 4 ngày,nhà lãnh đạo
Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh không còn lý do gì để nước này tự ràng
buộc với giao ước ngừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa
(ICBM), đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ phô diễn một "vũ khí chiến
lược mới" trong tương lai gần.
Theo quan điểm của nhà lãnh đạo Kim
Jong-un thì Mỹ đang đưa ra những yêu cầu đi ngược lại các lợi ích cơ bản
của nhà nước Triều Tiên và đang tỏ rõ một thái độ không phù hợp. Mỹ đã
vi phạm lời cam kết do đích thân Tổng thống Donald Trump đưa ra khi tiến
hành hàng chục cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc ở cả quy mô lớn
và nhỏ. Ngoài ra, ông Kim Jong-un cũng cáo buộc Mỹ đã điều động các
thiết bị quân sự hiện đại tới Hàn Quốc và gia tăng sức ép trừng phạt lên
Triều Tiên. Thông điệp trên ông Kim Jong-un đưa ra trong bối cảnh Mỹ
vừa bỏ lỡ thời hạn chót nhằm nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều
Tiên vào cuối năm 2019.
Sau tuyên bố của ông Kim Jong-un, Bộ
trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã lên tiếng kêu gọi nhà lãnh đạo Triều
Tiên Kim Jong-un kiềm chế. Trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News, ngày
2/1, ông Esper cũng lưu ý thêm rằng, con đường tốt nhất phía trước vẫn
là các bên đạt được một thỏa thuận chính trị về phi hạt nhân hóa bán đảo
Triều Tiên.
Ngoài việc đưa ra những thông điệp mềm
mỏng, Bộ trưởng Esper cũng nhấn mạnh rằng, quân đội Mỹ đang duy trì
trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp cần thiết. Theo ông Esper
thì hiện Mỹ đang giám sát chặt chẽ tình hình Triều Tiên.
Mỹ, Trung có thể ký thỏa thuận thương mại vào đầu tuần tới
|
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc được cho là sẽ tới Mỹ để ký kết bản thỏa thuận thương mại vào tuần tới. (Ảnh: AP)
|
Ngày 30/12, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng
Peter Navarro tiết lộ bản thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và
Trung Quốc có khả năng sẽ được ký kết vào tuần tới. Tổng thống Mỹ Donald
Trump hoặc Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ xác nhận thông
tin liên quan tới vấn đề này.
Trả lời phỏng vấn tờ Fox News, ông
Navarro dẫn một báo cáo cho biết, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ
sang Mỹ trong tuần này để ký kết bản thỏa thuận thương mại giúp hạ nhiệt
cuộc thương chiến tiếp diễn dai dẳng nhiều tháng qua giữa hai nền kinh
tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, quan chức thương mại này của Mỹ không
xác nhận thông tin về chuyến thăm của ông Lưu Hạc.
Cùng ngày, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng
(SCMP) cũng dẫn một nguồn tin cho biết: “Washington đã phát đi một lời
mời và được phía Bắc Kinh chấp thuận”. SCMP cho biết, ông Lưu Hạc sẽ dẫn
đầu phái đoàn Trung Quốc tới Washington từ ngày 4/1/2020 và dự kiến sẽ ở
lại đây trong vài ngày.
Cho tới nay, các đại diện của Văn phòng
đại diện thương mại Mỹ và Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bình luận tức thời
nào trước các thông tin về việc đoàn đại biểu Trung Quốc do ông Lưu Hạc
dẫn đầu sẽ tới Mỹ và lưu lại đây cho tới giữa tuần tới.
Ngày 31/12, trên trang Twitter của mình,
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định: “Tôi sẽ ký Thỏa thuận thương mại
giai đoạn một rất lớn và toàn diện với Trung Quốc vào ngày 15/1”.
Tổng thống Donald Trump cho biết buổi lễ
ký kết này sẽ diễn ra tại Nhà Trắng và đại diện cấp cao của phía Trung
Quốc cũng sẽ có mặt. Ngoài ra, chủ nhân Nhà Trắng còn tiết lộ ông sẽ có
chuyến thăm đến Bắc Kinh để bắt đầu các cuộc đàm phán cho giai đoạn tiếp
theo.
Cháy rừng ở Australia: Bang Victoria. New South Wales ban bố tình trạng thảm họa
|
Bang Victoria và New South Wales, Australia ban bố tình trạng thảm họa. (Ảnh: Getty Images)
|
Đêm 2/1, Thủ hiến bang Victoria
(Australia) Daniel Andrews đã tuyên bố tình trạng thảm họa trong bối
cảnh cháy rừng đang ngày càng lan rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới
tính mạng và tài sản của người dân địa phương.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một
tuyên bố cấp cao nhất theo Đạo luật Quản lý khẩn cấp đã được ban hành
tại bang Victoria. Ông Andrews cho biết mục đích của tuyên bố nhằm kêu
gọi tất cả cộng đồng đang bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn rời đi sớm nhất có
thể để đảm bảo an toàn cho bản thân. Tình trạng Thảm họa sẽ kéo dài
trong vòng 7 ngày liên tiếp, bắt đầu từ ngày 3/1 tại 6 khu vực và các
khu nghỉ dưỡng trên núi cao của bang Victoria.
Cũng trong ngày 2/1, Bang New South
Wales (NSW) của Australia đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 7 ngày tới
do cháy rừng và có thể buộc người dân phải sơ tán khỏi khu vực nguy
hiểm. Đây là lần thứ 3 bang NSW ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 2
tháng qua do cháy rừng. Hiện các lực lượng cứu hỏa vẫn đang sẵn sàng ứng
phó với những trận hỏa hoạn kinh hoàng có thể xảy ra vào cuối tuần này.
Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian
thông báo tình trạng khẩn cấp sẽ được thi hành vào ngày 3/1 khi điều
kiện thời tiết được dự báo sẽ trở nên xấu hơn vào cuối tuần này, gia
tăng các nguy cháy rừng tiếp tục xảy ra.
Trước đó, vào tháng 11 và 12/2019, bang
NSW được đặt trong tình trạng khẩn cấp cũng diễn ra trong 7 ngày trong
bối cảnh nguy cơ hỏa hoạn thảm khốc.
Kể từ tháng 9/2019, cháy rừng ở
Australia đã khiến ít nhất 18 người thiệt mạng và tàn phá hơn 1.200 ngôi
nhà tại hai tiểu bang NSW và Victoria.
Chỉ huy đặc nhiệm Iran thiệt mạng trong vụ không kích sân bay Baghdad
|
Thiếu tướng Qassem Soleimani (trái) trong một lần gặp
gỡLãnh đạo Cách mạng Hồi giáo Iran Ayatollah Seyyed Ali Khamenei.
(Ảnh: PressTV)
|
Ngày 3/1, báo chí nước ngoài công bố
những thông tin xác nhận Thiếu tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lữ đoàn
đặc nhiệm al-Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) đã thiệt
mạng trong vụ không kích của Mỹ nhằm vào sân bay thủ đô Baghdad (Iraq)
rạng sáng cùng ngày.
Diễn biến này đã một lần nữa đẩy mối quan hệ vốn nhiều căng thẳng giữa Mỹ và Iran lên một nấc thang nguy hiểm mới.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Lầu Năm Góc
đã xác nhận vụ không kích nhằm vào sân bay quốc tế thủ đô Baghdad là do
Mỹ tiến hành. Trong một tuyên bố, Lầu Năm Góc nêu rõ "cuộc không kích
nhằm ngăn chặn các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai và bảo vệ
cho người Mỹ ở nước ngoài" và chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra chỉ
thị về vụ tấn công này.
Cũng trong ngày 3/1, Chủ tịch Quốc hội
Iraq Mohammed al Halbousi đã lên án vụ không kích của Mỹ cũng khiến ông
Abu Mahdi al-Muhandis, Phó Chỉ huy Lực lượng bán quân sự Hashed
al-Shaabi ở Iraq thiệt mạng là một sự "vi phạm chủ quyền" và “vi phạm
các thỏa thuận quốc tế”.
Trong một thông điệp, Thủ tướng Iraq
Adil Abdul Mahdi cũng gay gắt lên án cuộc tấn công gây sốc của Mỹ, gọi
đây là "sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Iraq" và là một sự xúc phạm
đến chân giá trị của đất nước ông.
Ông Adil Abdul Mahdi nhấn mạnh,
Washington đã vi phạm các điều khoản mà theo đó quân Mỹ được phép ở lại
Iraq để đào tạo binh sĩ nước chủ nhà và chiến đấu chống tổ chức Nhà nước
Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông bày tỏ lo ngại vụ việc có thể làm leo thang
bạo lực và dẫn đến "một cuộc chiến tàn khốc ở Iraq" rồi tràn ra toàn khu
vực. Thủ tướng Iraq cho biết thêm, chính phủ của ông đã kêu gọi quốc
hội triệu tập một phiên họp khẩn cấp để bàn bạc phản ứng thích hợp.
Thông điệp Năm mới 2020 của nhiều nhà lãnh đạo thế giới
|
Màn bắn pháo hoa hoành tráng tại Wellington, New Zealand, trong đêm Giao thừa.
(Ảnh: Daily Mail)
|
Tạm gác lại những vấn đề còn dang dở,
các quốc gia trên thế giới đều tạm biệt năm cũ 2019 để bước vào năm mới
2020 với nhiều hy vọng về những điều tốt đẹp hơn sẽ đến.
Vào những thời khắc tưng bừng đầu tiên
của năm 2020, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã ra thông điệp Năm mới với
những cam kết và quyết tâm đưa đất nước trở nên thịnh vượng và hy vọng
vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Trong thông điệp Năm mới đọc vào đêm
Giao thừa tại nhà số 10 phố Downing, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho
biết nội dung đầu tiên trong chương trình hành động của ông là hoàn tất ý
nguyện bầu cử và đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - Brexit vào ngày
31/01/2020.
Tại Italy, Tổng thống Sergio Mattarella
cho rằng nước này cần tự tin hơn và tăng cường gắn kết xã hội. Trong
thông điệp Năm mới đọc vào đêm Giao thừa, Tổng thống Mattarella cho biết
xã hội Italy đang trải qua nhiều khó khăn và rạn nứt, và chưa thể tạo
ra điều kiện để phát huy mọi nguồn lực. Người đứng đầu nhà nước Italy đề
cập tới một số vấn đề hiện nay của đất nước như tỷ lệ thất nghiệp cao,
gia tăng bất bình đẳng về kinh tế, xã hội...
Tại châu Á, Thủ tướng Singapore Lý Hiển
Long trong thông điệp Năm mới nhấn mạnh rằng Singapore được hưởng lợi
lớn từ xu thế toàn cầu hóa và nước này cần phải tiếp tục mở cửa và kết
nối với thế giới.
Tại Sri Lanka, Tổng thống Gotabaya
Rajapaksa khẳng định chính phủ của ông cam kết biến năm 2020 thành một
năm thịnh vượng và đón chào Năm mới với những quyết tâm và cam kết.
Tại Fiji, Thủ tướng Voreqe Bainimarama
đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu,
cho rằng nếu cộng đồng thế giới không hành động quyết liệt về giảm
lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thì những cơn bão đổ bộ mà Fiji
từng trải qua sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vào những năm tới. Đây là một
thực tế không thể chấp nhận được đối với Fiji, các đảo quốc Thái Bình
Dương láng giềng cũng như các quốc gia và dân tộc trên Trái Đất./.
Nguồn:http://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-tuan-qua-nang-cao-vi-the-cua-viet-nam-tren-truong-quoc-te-546224.html